vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

CÁC HÌNH THỨC TÔN VINH DANH NHÂN CHU VĂN AN


Danh sư Chu Văn An (1292 – 1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh, thụy Khang Tiết. Ông quê làng Quang Liệt sau đổi là Thanh Liệt huyện Long Đàm, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An hơn 600 năm qua có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan của lớp lớp thế hế người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp tri thức. Trong dòng chảy văn hóa dân tộc tấm gương danh nhân Chu Văn An trở thành niềm tự hào cho truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam.

  1. Danh sư Chu Văn An.

          Trong cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: "người thì bảo thần tích Huỳnh Cung ghi cha là Chu (Văn) Hưng mẹ là Trần Thị Phượng, người thì dựa vào bản sao thần tích xã Thanh Liệt trên Đền Hùng năm Giáp Tuất Bảo Đại thứ 9 (1934) của Vũ Duy Đức bảo: ông bố họ Chu, húy Thiện người "Quảng Đức Bắc quốc", giỏi phong thủy, qua Quang Liệt, thôn Văn, lấy bà Lê Thị Chiêm sinh con trai là Văn An và Rằm tháng Tám (ngày 25) năm Nhâm Thìn (1292)"[1]. Như vậy, Thanh Liệt là quê ngoại của Chu Văn An. Tuổi thơ của ông gắn liền với Thanh Đàm vùng ven đô xưa.

Từ khi còn nhỏ Chu Văn An là người thông minh, hiếu học, học vấn tinh túy và uyên thâm. Ông là người không cầu danh lợi, bình dị thanh liêm, tiết tháo cương trực. Ông học giỏi, đỗ cao nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học "ông dựng nhà học lớn giữa đầm để dạy học trò, xa gần nghe tiếng đến học rất đông, thường có người làm chức cao trong chính phủ"[2], trong số đó có nhiều người đỗ đạt cao giữ những chức trọng yếu trong triều như Lê Quát và Phạm Sư Mạnh làm đến chức Nhập nội hành khiển Học trò rất tin yêu và kính trọng, khi đến thăm thầy đều muốn được gặp thầy nghe lời dặn dò, khuyên nhủ, nếu học trò nào kiêu ngạo, sách nhiễu dân lành, hà hiếp dân chúng thì ông đuổi ra khỏi nhà không công nhận là học trò nữa.

Vì tài năng và đạo đức vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời Chu Văn An ra kinh thành Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám giúp vua rèn luyện nhân tài, dạy dỗ Hoàng thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông). Đến thời vua Trần Dụ Tông (1358 -1369), vua ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép, đất nước rơi vào cảnh rối ren, loạn lạc, bị gian thần lộng hành. Trước cảnh đất nước lâm nguy, Chu Văn An dâng "thất trảm sớ" khuyên vua chém bảy tên gian thần lộng hành. Vua không đủ cản đảm nghe theo, Chu Văn An từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) không ra làm quan nữa.

Trong các sách chính sử viết về danh nhân Chu Văn An, mặc dù chưa nhiều nhưng đã toát lên, nhân cách, tài năng và khí phách của một con người quyền uy và danh vọng không hề khuất phục. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm Kỷ Dậu (1369). “Chu An đi rồi, không còn ai bảo vua lẽ phải nữa. Đó thực là không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người vậy”[3]. Đến năm Canh Tuất (1370) “Quốc Tử Giám Tư Nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu. An (người Thanh Đàm), tính cương nghị thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đại kho, vào chính phủ như  Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông làm Quốc Tử giám Tư nghiệp, dạy thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận… Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông  mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua (sáng), tôi (hiền) gặp nhau từ xưa vẫn là khó. Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua (sáng suốt) cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua (anh minh) nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêng, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu"[4].

Cả cuộc đời của mình Chu Văn An cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Tại quê nhà ông mở trường Huỳnh Cung, ra kinh đô ông giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám trong gần 30 năm, về Chí Linh ông cũng gắn với việc dạy người, cứu người. Lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên đã khẳng định Chu Văn An là "Vạn thế sư biểu – Người thầy tiểu biểu của muôn đời" của dân tộc Việt Nam. Nhân cách và tài năng của ông không chỉ là điển hình của thế hệ mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đối cộng đồng ở đương thời và hậu thế

  1. Các hình thức tôn vinh Danh nhân Chu Văn An.

          Tầm ảnh hưởng của danh nhân Chu Văn An từ lúc đương thời cho đến hiện nay, không chỉ triều đình tri ân thờ tự ông mà nhân dân khắp bốn phương cũng bày tỏ lòng thành kính với ông qua rất nhiều hình thức khác nhau: trở thành đối tượng thờ ở các di tích; tế lễ và lễ hội tổ chức để tri ân; đặt tên cho đường phố, trường học và làm tượng, dựng phim về Chu Văn An.

2.1. Các di tích thờ Chu Văn An

          Mật độ các di tích thờ danh nhân Chu Văn An tập trung chủ yếu ở Hà Nội là 6/12 di tích. Vì ở đây có làng Thanh Đàm xưa, có kinh đô Thăng Long gắn liền với cuộc đời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám của ông. Năm 1370, sau khi Chu Văn An qua đời, ông được nhà Trần đưa vào tòng tự ở Văn Miếu. Trải qua hơn 600 năm, biết bao biến động của lịch sử và thời cuộc ông vẫn là danh nhân được thờ trong Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đây ông được phối hưởng ở khu Điện Đại Thành, sau khi khu Thái Học hoàn thành, năm 2013 danh nhân Chu Văn An được đúc tượng đồng và thờ long lọng tại tầng 1 Hậu đường của khu Thái Học.

          Tại huyện Thanh Trì danh nhân Chu Văn An được thờ chủ yếu ở xã Thanh Liệt và xã Tam Hiệp. Xã Thanh Liệt có 02 di tích thờ Chu Văn An đền Chu Văn An và miếu Thổ Kỳ  thờ Chu Văn An và thân mẫu. Xã Tam Hiệp cũng có 02 di tích thờ Chu Văn An là chùa Huỳnh Cung và đình Huỳnh Cung gồm cụm di tích Đình Huỳnh Cung thờ Chu Văn An là một trong những vị thành hoàng làng và đền Huỳnh Cung xây trên nền ngôi trường xưa kia mà thầy mở ra để dạy dỗ học trò. Bên cạnh huyện Thanh Trì ở Hà Nội còn có chùa Hương Viên nằm trên đường Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng có phối thờ Chu Văn An. Ngoài Hà Nội còn có các địa phương khác trong cả nước có các di tích thờ Chu Văn An.

          Hải Dương là vùng đất nổi tiếng khoa bảng của xứ Đông. Văn Miếu Mao Điền nằm gần Quốc lộ 5, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương là nơi nêu cao truyền thống hiếu học tôn trọng nhân tài của vùng đất. Nơi đây thờ các danh nhân nổi tiếng gắn bó với đất này bao gồm: Tuệ Tĩnh, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hải Dương còn có núi Phượng Hoàng (Chí Linh) được danh sư Chu Văn An chọn là nơi ẩn cư khi không làm quan nữa. Đây là nơi nổi tiếng sơn thủy hữu tình tựa như Côn Sơn gần đó. Sau khi về ở ẩn tại núi Chí Linh, Chu Văn An chuyên tâm vào dạy dỗ học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, không màng danh lợi "khi có triều hội lớn mới đến kinh sư". Ông ở tại Chí Linh cho đến khi qua đời, phần mộ của ông cũng cách đền thờ không xa. Quần thể di tích đền thờ Chu Văn An tại núi Chí Linh trở thành một trong những địa điểm tâm linh thờ thầy giáo Chu Văn An được các thế hệ học trò thường xuyên thăm viếng.

          Để khuyến khích nhân tài và nêu cao đạo học danh nhân Chu Văn An đã  được thờ tại 03 di tích của tỉnh Hưng Yên. Văn Miếu Xích Đằng thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các nhà khoa bảng địa phương. Bên cạnh Văn Miếu Xích Đằng ở Hưng Yên còn có 02 Văn chỉ thờ Chu Văn An đó là Văn chỉ Hoàng Cả tại thị trấn Ân Thi và Từ chỉ Bình Hồ thuộc xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi. Các di tích này tôn vinh các bậc tiên hiền, tiên nho, danh nhân khoa bảng người địa phương và danh nhân Chu Văn An. Tại các di tích này, người dân có thể gửi gắm niềm tin và mong ước con cháu của mình có thể vươn lên bằng con đường tri thức.

          Có một số địa phương mới khởi dựng lại Văn Miếu những năm gần đây đã chọn danh nhân Chu Văn An là một trong những nhân vật thờ tự ở đó như: Văn Miếu Vĩnh Phúc khởi dựng lại năm 2011 tại khu Đô thị Hà Tiên, phường Liên Bão, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Văn Miếu Trấn Biên khởi dựng năm 2002 tại khu Bửu Long, thành phố Biên Hòa,tỉnh Đồng Nai. Mặc dù mới khởi dựng lại nhưng những di tích này cũng thu hút rất nhiều các trường học các cấp trong khu vực đến thăm quan và tìm hiểu. Qua đó các thế hệ học trò lại hiểu sâu hơn về thầy giáo Chu Văn An- một người thầy đạo cao, đức trọng của dân tộc.

           2.2.Tế lễ và Lễ hội tri ân Danh nhân Chu Văn An

          Trước đây, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày Đinh tháng hai và tháng tám (âm lịch) triều đình tổ chức tế lễ các bậc tiên thánh, tiên hiền, nghi thức vô cùng long trọng. Danh nhân Chu Văn An được phối thờ nên được phối hưởng các nghi thức và lễ tiết này. Ngày nay Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là địa chỉ tin cậy để các công ty lữ hành, các trường học tổ chức dâng hương các danh nhân và làm lễ khuyến học để truyền lại tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo bao đời nay của cha ông ta.

          Đền thờ Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội dưới thời Nguyễn triều đình đã quan tâm và có quy định về việc tế lễ Chu Văn An "Đời Gia Long cấp cho dân phu để giữ đền; năm Tự Đức 3 (1850) phong làm Thượng đẳng thần, hàng năm cứ mùa xuân, mùa thu, văn thân trong huyện họp để tế"[5]. Ngày nay tại di tích vào các dịp đầu Xuân sẽ có lễ khai bút được tổ chức rất long trọng là sự nối tiếp truyền thống hiếu học, thể hiện tấm lòng thành kính, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng ngưỡng mộ của người dân quê hương ông đối với Chu Văn An cũng như các bậc hiền tài của đất nước. Lễ khai bút do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng huyện Thanh Trì tổ chức. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân và các cháu học sinh đã tham dự lễ khai bút. Trước khi khai bút là lễ dâng hương tri ân danh nhân Chu Văn An, đồng thời báo cáo thành tích năm học vừa qua của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội. Sau đó các chữ ý nghĩa thể hiện mong ước của toàn Đảng toàn dân sẽ được các thư pháp gia thể hiện, như năm 2018 có 4 chữ Hán được khai bút là: Quốc, Phú, Dân, Cường thể hiện niềm tin vào sự lớn mạnh, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Việc tổ chức lễ khai bút đầu Xuân tại đền thờ Chu Văn An rất có ý nghĩa đối với ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô và huyện Thanh Trì, là dịp được tri ân, bày tỏ lòng kính trọng tới người đã có công lao trong việc phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

          Lễ hội tại đình Huỳnh Cung thuộc xã Tam Hiệp huyện Thanh Trì  được dân làng được tổ chức hàng năm trong vòng 4 ngày của tháng Giêng để tôn vinh Thành hoàng làng và danh nhân Chu Văn An. Bắt đầu vào ngày 18 buổi sáng chuẩn bị đội ngũ bao sái tượng và đồ lễ trong đình. Buổi chiều, các bô lão đã tề tựu trước cửa ở sân đình trong trang phục quần áo tế lễ cổ truyền để tễ tế. Sang ngày 19 dành cho các tổ chức, dòng họ, gia đình, nhân dân khắp vùng dâng lễ. Chiều và tối, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại sân đình. Ngày 20 là ngày hội chính sẽ có tiết mục tuyên dương các học sinh giỏi cấp huyện và thành phố, các gia đình có người đỗ đạt cao giúp ích được cho đất nước, làng xã. Sau đó là màn rước kiệu, dâng hương danh nhân Chu Văn An. Màn rước kiệu từ đình đến chùa được tổ chức hoành tráng với sự tham gia đông đảo của dân làng. Ngày cuối  cùng của lễ hội là ngày 21 làm lễ tạ tại đình và dã hội. Lễ hội làng Huỳnh Cung được tổ chức khá lớn, diễn ra tưng bừng, trong không khí trang nghiêm thành kính của dân làng và nhân dân các vùng phụ cận. Lễ hội thể hiện niềm tin, ước vọng của dân làng gửi gắm tới thành hoàng của làng mong một năm có nhiều điều tốt đẹp.

          Đền thờ Chu Văn An tại núi Phượng Hoàng thời phong kiến tổ chức tế lễ rất giản dị. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, các vị quan lại địa phương có đến thắp hương thầy nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp. Hiện nay khu di tích là địa chỉ các trường học trong toàn quốc đăng ký hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Liên ngành Bộ Giáo Dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn phát động. Lễ hội hàng năm diễn ra vào tháng Giêng (06/01 âm lịch) với tên gọi “Lễ khai bút đầu năm” và tháng 11 (26/11 âm lịch) là “Lễ hội về nguồn”. Lễ hội diễn ra với đầy đủ các nghi thức dâng hương, tưởng niệm, lễ tế, lễ rước, các trò chơi dân gian, các trường học mọi cấp học trên cả nước còn về đây tổ chức hội trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thắp hương báo công với danh nhân Chu Văn An.

          Tại đền thờ Chu Văn An, ngày hội có quy mô lớn và tổ chức long trọng bắt đầu từ năm Đinh Sửu (1997). Vào dịp lễ khánh thành trùng tu bước I của đền thờ ngày 12 tháng 8, rất nhiều nhà giáo, học sinh và nhân dân địa phương tham gia. Trong ngày hội này có hàng nghìn giáo viên và học sinh của Chí Linh và của Trường Chu Văn An (Hà Nội) đến cắm trại từ điện Lưu Quang đến lăng mộ của ông. Các em tổ chức cắm trại, vui chơi ca hát, chơi trò chơi dân gian, tìm hiểu di tích trong hai ngày. Đây là khởi đầu đầy ý nghĩa cho các hoạt động lễ hội những năm sau được tổ chức tại đây.

          Lễ hội về nguồn là lễ hội của thầy và trò nhớ về cội nguồn của đạo học để tri ân danh nhân Chu Văn An, một loại hình lễ hội mới được hình thành tại khu di tích. Vào Năm Kỷ Mão (1999), đúng vào dịp kỷ niệm 707 năm ngày sinh của danh nhân Chu Văn An ngày 25 tháng 8, tại khu di tích đã làm lễ khánh thành điện Lưu Quang và lễ đón nhận bằng công nhân di tích cấp quốc gia. Tham gia lễ hội ngoài giáo viên, học sinh và nhân dân huyện Chí Linh còn có đại diện giáo viên các huyện thị, đại biểu của Bộ Văn hoá, Giáo dục, trường Chu Văn An (Hà Nội) và đoàn đại biểu của huyện Thanh Trì. Đến năm 2008 cũng là lễ hội về nguồn nhân kỷ niệm 608 năm ngày nhà giáo qua đời ngày 25 và 26 tháng 11 đã thu hút ngót một vạn giáo viên, học sinh các trường tham dự trong hai ngày. Hai ngày đó, giáo viên, học sinh ôn lại lịch sử giáo dục nước nhà, lịch sử khu di tích với sự nghiệp của thầy Chu Văn An, biểu diễn văn nghệ, vui chơi các trò chơi dân gian… Các lễ hội đã giúp các em học sinh thêm hiểu và yêu lịch sử văn hóa nước nhà, thêm gắn kết thầy cô, bè bạn.

          Từ một phế tích đã mai một qua nhiều năm, nay trở thành nơi thăm quan, nghiên cứu, du lịch hấp dẫn của giáo viên và học sinh cả nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục thế hệ trẻ. Di tích cũng trở thành địa chỉ để nhân dân khắp mọi nơi đến thăm và viếng đền thờ và mộ thầy giáo Chu Văn An.

          2.3. Đặt tên danh nhân Chu Văn An cho tên đường, phố và trường học.

          Tại Điều 7 Chương II Quy chế đặt tên đường phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có quy định:

          Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài được chọn đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng có đức, có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và Thành phố hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

          Danh nhân thuộc các lĩnh vực này được chọn đặt tên phải là người mất trước thời điểm xét đặt tên đường, phố ít nhất 10 năm (trừ những trường hợp đặc biệt)

          Những danh nhân còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên đường, phố và công trình công cộng. Không đặt tên đường, phố, công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của cùng một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị.

          Xét công lao và tầm ảnh hưởng của danh nhân Chu Văn An đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước ông hoàn toàn xứng đáng để được chọn đặt tên cho đường, phố và các công trình công cộng khác. Theo thống kê hiện nay không chỉ Hà Nội mà rất nhiều địa phương khác đã lựa chọn tên danh nhân Chu Văn An đặt tên cho đường phố và các trường học trên địa bàn của mình.

          Hiện tại có tới 22/64 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam có đường, phố mang tên của ông gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong số 22 tỉnh, thành phố có tên danh nhân Chu Văn An có 09 phố, 23 đường, 01 hẻm.

          Bên cạnh đường, phố có tên danh nhân Chu Văn An, còn có rất nhiều trường học ở các cấp mang tên danh nhân Chu Văn An. Trong cả nước có 50 trường học mang tên Chu Văn An gồm: 10 trường Tiểu học, 19 trường Trung học Cơ sở, 17 trường Trung học phổ thông, 03 trường Liên cấp và 01 trường Đại học.

          Trong số các trường học này có ngôi trường phổ thông đặc biệt lâu đời tại Hà Nội là trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Trường do người Pháp xây dựng năm 1908 mang tên là Trường Trung học bảo hộ nhằm đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị Bắc Kỳ, học sinh ngày ấy vẫn quen gọi là Trường Bưởi. Năm 1945, trường đổi tên là Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An. Đến Ngày 17 tháng 2 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra quyết định xây dựng trường Trung học phổ thông Chu Văn An trở thành một trong 3 trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Đây là cơ sở đào tạo cấp phổ thông trung học có chất lượng cao ở Hà Nội và Việt Nam.

          2.4. Đúc tượng và dựng phim danh nhân Chu Văn An.

          Một trong những hình thức tri ân, tưởng nhớ của các thế hệ sau đối với danh nhân Chu Văn An là hình thức làm tượng thờ. Hiện nay có 3 nơi có dựng hoặc đúc tượng Chu Văn An là: Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An – Hà Nội, Văn Miếu Trấn Biên – Đồng Nai. Tượng của Chu Văn An tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Văn Miếu Trấn Biên đều được dựng trong khuôn viên của trường và di tích là tượng mang tính chất tượng tưởng niệm danh nhân.

          mày đang chau vì phản ánh ông vẫn còn đang đau đáu vì thời cuộc. Vầng trán cao rộng, hình lá gan úp thể hiện của người tư duy trực cảm mạnh mẽ. Mắt sâu, đang lim dim, gò má cao của người suy nghĩ sâu sắc. Mũi giọt mật của bậc văn sĩ, hiền sĩ, thông thái và thông minh. Dái tai đều đặn, thùy tai đẫy đà, vành tai thành quách rõ ràng biểu hiện của người quân tử. Dáng người mình mai cốt hạc, áo cổ cao, cổ chéo, mặc rộng theo phong cách Thương Chu. Áo của Chu Văn An nhiều nếp gấp, không trang trí hoa văn của người có khí tiết thanh tao và gần gũi với đời thường vì ông là nhà nho sống rất giản dị, thanh liêm, đeo đai ngọc. Tay búp măng, tay phải cầm quạt đặt trên đầu gối vì Việt Nam khí hậu nóng ẩm, tay trái để trên đầu gối, toát lên khí thế của bậc trượng phu, quân tử. Quần mặc theo kiểu xiêm, chân đi giầy vải. Chu Văn An ngồi trên ghế đầu vẹt (hai bên đầu ghế có đầu vẹt), lấy mẫu từ ghế gỗ duy nhất thời Trần còn đến ngày nay ở khu vực chùa Thầy (Hà Nội). Phía sau lưng ghế có chạm trổ hình cây vũ trụ tỏa ra các tia sáng biểu tượng cho âm dương hài hòa và sự sinh sôi phát triển. Đứng trước Chu Văn An sẽ cho ta cảm giác đứng trước một con người đầy trí tuệ vừa uy nghiêm vừa gần gũi.

         

          Các hình thức tôn vinh danh nhân Chu Văn An hơn 600 năm qua đã chứng minh sự ảnh hưởng của ông đã tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An đã trở thành những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của nền văn hóa dân tộc. Trong quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc của nền văn hóa Việt Nam, những giá trị tinh thần ấy sẽ trở thành những nhân tố vô cùng quan trọng. Khi nói tới danh nhân Chu Văn An, mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy tự hào và trân quý một con người có tài năng và nhân cách vượt tầm thời đại.

  • Tác giả  NTM
  • Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”


[1] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr. 726.

[2] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1. Nxb Giáo dục. 2007. Tr 434.

[3]Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tập 2, Tr 145-146.

[4]Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tập 2, tr 151-152.

[5] Đại Nam nhất thống chí , tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr .246.


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám