vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CỦA CHU VĂN AN QUA GHI CHÉP CỦA CHÍNH SỬ VÀ TƯ SỬ


I. Thư tịch cổ (Chính sử và tư sử) chép về cuộc đời, sự nghiệp của Chu Văn An

Bộ chính sử chép đầu tiên về Chu Văn An là Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó, các tác giả đã phản ánh một cách khá đầy đủ, toàn diện về thân thế, sự nghiệp của Ông trong bối cảnh xã hội đang suy thoái cuối đời Trần. Để tránh tính trạng trùng lặp, chúng tôi xin trích phần đầu: “Quốc Tử giám Tư nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu…”[1], còn nội dung khác sẽ được sử dụng vào các vấn đề có liên quan trong bài viết.

Các bộ sử sau này như Đại Việt sử ký tiền biên của triều Tây Sơn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, những trước tác của tư nhân như: Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng…đều sử dụng ít nhiều những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư để viết về Chu An.

Tổng kết chung những ghi chép về cuộc đời của Chu Văn An trong các bộ chính sử và tư sử, chúng ta có thể đúc rút ra mấy nhận xét nổi bật như sau:

1. Chu An hay Chu Văn An không rõ năm sinh, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mất năm 1370, tại núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh (nay thuộc địa phận phường Văn An), Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông có tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, tước hiệu là Văn Trinh công. Vua Trần Nghệ Tông ban cho được thờ trong Văn Miếu ngay từ khi Ông vừa từ trần. Đền thờ của ông được lập tại quê nhà ở xã Thanh Liệt (trước là Quang Liệt, nay là thôn Văn), vào đời vua Gia Long (1802-1820), triều Nguyễn cấp cho dân phu để giữ đền, năm Tự Đức thứ 3 (1850), phong Ông làm Thượng đẳng thần, hằng năm xuân thu nhị kỳ, văn thân hàng huyện tổ chức nghi thức tế lễ quốc gia tại đền[2]. Triều Nguyễn còn gia tặng ông là Khiết Hạnh Phương danh Ý cự Thanh quy Trác vĩ Thượng đẳng thần[3]

2. Chu Văn An là một người có tính cách cương trực, thẳng thắn, giữ tiết tháo, thanh liêm, không tham danh lợi. Sinh sống và làm quan trong tình hình xã hội triều Trần đang bước vào giai đoạn suy vi, khủng hoảng, nhưng Chu Văn An vẫn chứng tỏ là một vị Đại thần hết lòng phò tá vương triều Trần. Ông đã dũng cảm dâng “Thất trảm sớ” để trừ khử bọn nịnh thần, làm trái phép nước, khiến triều đình bị mất lòng tin với dân chúng. Khi không được vua đương tại vị hồi đáp cho kiến nghị tâm huyết xây dựng triều chính trong sạch, ông đã lập tức từ quan về ở ẩn tại Chí Linh, không một chút vương vấn về quyền lợi.

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã nhận xét về Chu Văn An: “hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý,…tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập hay sao”[4]?

Các sử thần đều đánh giá cao tính cách thanh cao cùng phương thức hành tàng xuất xử (ra làm quan, về ở ẩn) của Chu Văn An. Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1802), người làng Thịnh Liệt, nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, từng giữ chức Tham tụng và có nhiều công lao cho việc tôn tạo nơi thờ tự Chu Văn An ở quê hương Thanh Trì. Tham tụng họ Bùi soạn bài văn bia thờ Thầy giáo họ Chu ở làng Huỳnh Cung, đã khẳng định: “Kính nghĩ Phu tử, tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì lễ, khi ở ẩn (thoái ẩn) cũng vì nghĩa”[5].

Chu Văn An được sĩ phu các triều đại quân chủ của lịch sử Việt Nam, mệnh danh là Ông tổ của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam: “Ông thực đáng được coi là Ông tổ của nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”[6] . Sử thần Ngô Thì Sĩ nhận định về ông: “Chu Văn Trinh đạo học thuần túy, khí tiết cao thượng, ngay thẳng không nghĩ đến thân, lòng trung không quên vua, thong dong nơi triều hội, coi thường tước lộc, khi đi, khi tới, khi tiến, khi lui, từ hay nhận, lấy hay cho, rất chính đáng. Nước Việt, người được tôn là bậc tông Nho, từ xưa đến nay mới chỉ có một”[7]. Bác học Lê Quý Đôn khi viết về phần Tài phẩm (Tài năng phẩm hạnh) sách Kiến văn tiểu lục khẳng định: “Nói về nước ta, thì triều Trần có 5 người: Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”[8].

3. Chu Văn An là người tự học, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, trở thành người Thầy giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử giáo dục quân chủ Việt Nam.

Theo Chính sử và tư sử, ông thuở nhỏ tự học tại nhà “ham thích đọc sách”[9], rèn luyện sau trở nên “học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa”[10]. Chu Văn An lập nhà học ngay tại một gò lớn ở giữa đầm để truyền bá kiến thức[11]. Có nhiều môn sinh đã thụ nghiệp ở lớp học Huỳnh Cung, dựng tại thôn Văn của Thầy giáo Chu Văn An. Cho đến thế kỷ XVIII, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì đồng hương của Chu Văn An, từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám trong bài văn bia soạn năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) hiện đặt tại Văn chỉ Chu Văn An (Đền Huỳnh Cung) ở xã Tam Hiệp, từng viết “Nay ở địa phương còn di tích Giảng đàn của ông”[12].

Trong số hàng ngàn môn sinh theo học tại lớp của Thầy Chu, không ít người đã đăng khoa, đỗ đạt thứ bậc cao trong các kỳ thi do triều Trần tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử giám. Phạm Sư Mạnh và Lê (Bá) Quát là hai học trò xuất sắc nhất của Thầy Chu Văn An, đều được lựa chọn vào giữ trọng chức trong chính quyền triều Trần. Phạm Sư Mạnh (1300-1377), người làng Giáp Sơn, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn), Hải Dương, thi đỗ khoa Thái học sinh đời Trần Minh Tông (1314-1329), từng làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển tri Khu mật sự. Lê (Bá) Quát, quê Phủ Lý, Đông Sơn, Thanh Hóa, cùng thi đỗ Thái học sinh với Phạm Sư Mạnh, cũng làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển Hữu bộc xạ. Tuy đã làm Đại thần chức trọng nổi tiếng trong triều, nhưng cả hai viên (Phó) Tể tướng mỗi khi đến thăm Thầy học Chu Văn An vẫn giữ nề nếp “tôn sư trọng đạo”, “lạy ở dưới giường, được nói chuyện với Thầy vài câu rồi đi ra thì lấy làm mừng lắm”[13].

Chu Văn An là một thầy giáo mẫu mực, luôn khuyến khích học trò dùng sở học của mình để giúp nước, giúp đời. Sau khi các môn sinh đã thành đạt, ông vẫn luôn dõi theo quá trình rèn luyện trưởng thành, động viên cổ vũ trước sự tiến bộ của từng người, nhưng đồng thời cũng rất nghiêm khắc với những người học trò không có chí tiến thủ, còn tạo ra tiếng xấu trong dân. Sử chép: “Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”[14].

Sau khi treo ấn từ quan, trở về vui với cảnh đồng ruộng thôn quê, “yêu cảnh núi Chí Linh, đến ở đấy”[15], ông vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Những di tích hiện còn tại núi Phượng Hoàng như điện Lưu Quang, đền thờ trên núi, giếng Son đều là những chứng tích còn lại liên quan đến sự nghiệp trồng người vào những năm tháng cuối đời của Thầy Chu. Điện Lưu Quang: tương truyền là nơi Thầy Chu Văn An với tên hiệu Tiều Ẩn (Người tiều phu ở ẩn) truyền giảng. Đền thờ Chu Văn An là nơi sau khi ông mất, các học trò đưa lên an táng trên đỉnh núi làm thành nơi thờ phụng tế lễ. Dân gian còn truyền lại, trên đường lên điện Lưu Quang trước kia có một cái giếng tên gọi là Giếng Son, vì đáy giếng có lớp bùn màu đỏ thắm, được Thầy giáo Chu Văn An lấy lên để khô làm mực son viết chữ dạy học trò. Điều này cũng phù hợp với ghi chép về giếng Son trên núi Phượng Hoàng của Vũ Phương Đề trong tác phẩm Công dư tiệp ký biên soạn vào đầu thế kỷ XVIII:

“Đời Trần, Tiều Ẩn Tiên sinh, sau khi dâng Thất trảm sớ, bỏ quan về nhà. Tiên sinh ưa non nước Chí Linh, đến làm nhà ở, tức là núi này.

Tương truyền, dưới núi có giếng…

Tục truyền núi ấy sản sinh ra một thứ son sắc rất tươi đẹp, khác hẳn son các nơi khác…

Tương truyền dưới núi có giếng nước đỏ như son. Người ta lấy ống tre thò xuống đáy giếng múc son, nhũn như bùn, đem phơi khô thì rắn lại. Hạng son ấy là thượng phẩm”[16]

Sau này, bác học Phan Huy Chú khi viết về núi Phượng Hoàng cũng cho biết: “Dưới núi thì đáy giếng có ngọc châu quý, mềm như bùn, phơi khô thì thành ngọc…Trong thời Trần, Văn Trinh Chu [An] bỏ quan về, thích phong cảnh huyện Chí Linh, đến ở đấy…Cuối đời Lê, Hành Tham tụng Bùi [Huy] Bích có lập bia Văn Trinh công ở bên cạnh núi ấy”[17].

Các thư tịch cổ đều thông tin: năm 1370 Quốc Tử giám Tư nghiệp Chu Văn An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê còn cho biết thêm: “[Trần] Minh Tông mời ông làm Quốc Tử giám Tư nghiệp”[18]. Các sách sử sau như Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục[19]… đều thống nhất chép: “Trần Minh Tông cho ông có học vấn về chính đạo, gọi ra cho làm Tư nghiệp Quốc Tử giám” [20].

Theo các nhà nghiên cứu: Chức quan Tư nghiệp xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là vị quan phụ trách âm nhạc, kiêm giảng dạy, sau này đến năm 607 đời Tùy Dưỡng đế mới chính thức đặt chức quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (國子監司業), trật Tòng tứ phẩm, có nhiệm vụ làm Phó quan giúp đỡ cho Tế tửu trong việc quản lý học quan và giảng dạy tại Quốc Tử giám.

Căn cứ theo ghi chép của Quốc sử, thời điểm bắt đầu xuất hiện tên gọi chức Tư nghiệp ở Việt Nam ở đời Trần và vào khoảng những năm 1324-1329, Chu Văn An là vị quan giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám đầu tiên trong lịch sử Văn Miếu Quốc Tử giám [21].

Với chức trách là người đứng đầu Quốc Tử giám triều Trần, Chu Văn An được giao phó dạy học cho Thái tử, để sau này nối ngôi trị nước. Thời gian ông giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, vào giữa những năm 20 của thế kỷ XIV niên hiệu Khai Thái (1324-1329)[22], triều vua Trần Minh Tông, khi đó Chu Văn An đang ở vào tuổi nhi lập (30 tuổi) [23], tức là thời kỳ đã trưởng thành về mọi mặt: cường tráng về sức khỏe, minh mẫn về trí lực, khá hoàn thiện về tri thức và nhất là đã nổi tiếng là một thầy giáo tài danh ở Thăng Long. Từ suy đoán trên, chúng ta có thể xác định các vị vua từng được Chu Văn An dạy dỗ, bảo ban như Thái tử Vượng sinh năm 1319, sau là vua Trần Hiến Tông lên ngôi lúc 10 tuổi, trị vì 13 năm (1329-1341), Thái tử Hạo sinh năm 1325, sau là vua Trần Dụ Tông kế vị khi mới 6 tuổi, ở ngôi 29 năm (1341-1369). Nhiệm vụ quan trọng của một vị Tư nghiệp trong việc dạy bảo cho các Thái tử, không chỉ truyền bá kiến thức Nho gia kinh điển, những bài học trị vì đất nước thành công cũng như thất bại của các triều vua Trung Quốc và các triều đại trước Trần ở Việt Nam, mà quan trọng hơn còn phải bồi dưỡng, rèn luyện các Thái tử trẻ tuổi biết sống nhân nghĩa, có đạo đức, làm vua có tình thương yêu, đồng cảm với dân chúng.

Khi chép đến sự kiện vua Dụ Tông mất vào mùa hè năm 1369, sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời bình “…Vua (Dụ Tông) biết tôn trọng Thầy dạy, nhưng lại không bàn việc nước với Thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên chỉ để làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là “Không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người’ vậy”[24]. Thông qua việc phê phán Dụ Tông không biết sử dụng người tài năng và không đem quốc gia trọng sự bàn với Thầy dạy, sử thần Ngô Sĩ Liên khẳng định Chu Văn An đã lui về ở ẩn trước khi Dụ Tông mất một thời gian.

Thời điểm mà ông về núi Chí Linh, theo chúng tôi vào những năm đầu niên hiệu Đại Định (1358-1369). Sử chép: “Dụ Tông hoàng đế: Tên húy là Hạo, Con thứ mười của Minh Tông, ở ngôi 28 năm, thọ 34 tuổi…Đời Thiệu Phong chính sự tốt đẹp, từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”[25]. Thời gian ông đảm nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử giám hơn 30 năm, từ giữa những năm 20 đến những năm 50 cuối thế kỷ XIV.

Có thể khẳng định, cả cuộc đời của Chu Văn An gắn liền với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhiều nhân tài cho quốc gia. Trong khoảng mấy năm ở quê hương Thanh Trì hay thời kỳ vài chục năm làm quan cho triều Trần ở Kinh thành Thăng Long và giai đoạn hơn 10 năm ở ẩn núi Phượng Hoàng, ông luôn luôn tận tụy với vai trò là Thầy giáo. Ông đã hiến trọn đời cho công cuộc trồng người, ông xứng đáng với danh hiệu “Người Thầy giáo muôn đời” (萬代師表Vạn đại Sư biểu) của quốc gia Đại Việt triều Trần nói riêng và của Việt Nam nói chung. 

4. Những trước tác của Chu Văn An để lại không nhiều, theo thống kê của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú: ông biên soạn sách Tứ thư thuyết ước 10 quyển, Thất trảm sớ, có Tiều Ẩn thi tập (chữ Hán) và Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập (chữ Nôm)[26], các sáng tác trên chỉ được truyền lại tiêu đề, chứ nội dung thì đã thất truyền. Sáng tác của Chu Văn An còn lại 12 bài thơ chữ Hán được chép trong tác phẩm Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn[27]. Các văn nhân các đời sau đều nhận định thơ của Chu Văn An “Lời thơ rất trong sáng, u nhàn” hay “lời thơ nhàn nhã, tự nhiên, có thể tưởng thấy ý thú thanh cao của người ở ẩn”[28].

II. Đôi điều cần giải mã trong thân thế, sự nghiệp của Chu Văn An

Theo ghi chép của thư tịch cổ về Chu Văn An, còn có những điểm xuất nhập và cần phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm đặng làm nổi bật hơn những cống hiến quan trọng của ông đối với lịch sử dân tộc nói chung và đối với triều Trần và lịch sử giáo dục Việt Nam nói riêng. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng người đã có thâm niên nghiên cứu và công bố nhiều công trình viết về lịch sử Thủ đô Hà Nội, từng trăn trở và đau đáu về việc nghiên cứu làm sao cho thấu đáo vị Sư biểu Việt Nam như sau: “Giới bác học – quảng vấn còn nhiều điều chưa rõ về Chu Văn An”[29].

Trước hết chúng ta cùng nhau tìm hiểu về họ tên của ông, các thư tịch chính sử và tư sử vừa đề cập đều chép ông là Chu An (朱安), nhưng hiện nay trên các sách vở, thông tin đại chúng đều viết thành Chu Văn An, vì sao lại có sự thay đổi như vậy?

Vào năm 1970, Dịch giả Lê Xuân Giáo khi biên dịch tác phẩm Việt sử yếu (越史要) viết bằng chữ Hán hoàn thành năm 1914 của tác giả Hoàng Cao Khải, cũng đã đưa ra nghi vấn về việc thêm vào tính danh của Chu An chữ Văn thành Chu Văn An. Trong mục Chép chuyện các vị danh Nho đời Trần: “Chu An, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì…”, dịch giả chú thích: “Bây giờ viết là Chu Văn An, không biết chữ Văn ai thêm và thêm vào lúc nào”[30].

Gần đây có nhà nghiên cứu đặt lại vấn đề tên gọi của ông: “Trước hết về tính danh: từ Chu An đến Chu Văn An, hầu hết các sách từ triều Nguyễn trở về trước đều chép là Chu An. Có thể kể đến một số bộ sử lớn và các tài liệu viết về Chu An… Chưa rõ vì lí do gì mà từ sau năm 1954 trở lại đây, hầu hết các sách đều viết là Chu Văn An. Thế rồi dần quen, ít người bàn đến chuyện này nữa…Chính vì hiện trạng này, cho nên cũng không cần thiết đặt lại vấn đề có phải trả lại tên cho ông nữa hay không”[31]. Như vậy nghi vấn về vấn đề tính danh thực của Chu An, do dịch giả sách Việt Sử yếu và tác giả sách Chu Văn An – người Thầy của muôn đời cách nhau hơn 40 năm (1970-2012) đặt ra, chưa được lời giải đáp.

Chúng tôi phát hiện ngay từ thời Nguyễn, vào đời vua Tự Đức (1848-1883), các sử thần trong Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép cụ thể họ và tên của Chu Văn An. Bộ Đại Nam nhất thống chí (大南一統志) phần viết về Nhân vật (人物) của tỉnh Hà Nội (河內省), đã chép rõ: “Chu Văn An, tên tự là Linh Triệt, người huyện Thanh Trì. Tính cứng cỏi, thích thanh tao, tu chí không cần lợi danh hiển đạt[32]. Nguyên văn chữ Hán như sau: 陳朱文安字靈澈青池縣人剛介清修不求利達[33].

Như vậy, không phải đến sau năm 1954 thì mới xuất hiện tên gọi Chu Văn An, mà ngay từ giữa thế kỷ XIX, Quốc sử quán triều Nguyễn – Cơ quan biên soạn Quốc sử lớn nhất Việt Nam trong thời đại quân chủ đã đưa ra tính danh Chu Văn An. Với phương thức làm việc cẩn thận, có tính khả tín trong việc chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn thì việc các sử thần xác minh được tính danh của Chu Văn An là có cơ sở đáng tin cậy. Cho nên theo thiển nghĩ, chúng ta cũng không nên băn khoăn gì, vẫn cứ tiếp tục sử dụng tính danh Chu Văn An như lâu nay vẫn thường được sử sách, dân gian mỗi khi viết, nói về Ông.

Về năm sinh của Chu Văn An, hiện cũng là một tồn nghi mà cần phải có giải đáp rõ ràng. Các bộ chính sử và tư sử đều mới chỉ chép chính xác về năm mất vào cuối năm 1370 mà chưa đưa ra năm sinh của ông[34]. Không biết căn cứ vào sử liệu nào, có sách lại chép ông sinh năm 1292 và mất năm 1370[35] . Theo thông tin “ở các xã Thanh Liệt và Tam Hiệp còn hai văn bản (đều là bản sao) Ngọc phả về Chu Văn An. Bản sao vào năm Nhâm Tuất, Khải Định năm thứ 8 (1922) chép Chu Văn An vào ngày 20 tháng Mười năm Nhâm Tuất. Bản sao tại đền Hùng do vị Tiên chỉ của xã Thanh Liệt là Phụng nghị Đại phu Vũ Văn Đức sao chép lại từ Đền Hùng (Phú Thọ) vào năm 1934 lại ghi ông sinh vào ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 8 (1292)”[36]. Nhưng cần phải phân biệt rõ: “những bản Thần tích về Chu Văn An đều được soạn sau khi Chu Văn An qua đời đã mấy trăm năm”[37]. Do vậy, giới khoa học cũng cần tập trung đầu tư tìm hiểu nhằm trả lại năm sinh đích thực của Ông.

Một vấn đề nữa mà theo chúng tôi cũng cần phải tiếp tục đi sâu sưu tầm tư liệu, nghiên cứu để làm rõ là Chu Văn An có tham gia một kỳ thi Thái học sinh của đời Trần hay không? Các bộ chính sử và nhiều bộ sử của tư gia đều chép: Chu Văn An ngay từ nhỏ đã thông minh, mẫn tiệp, tự tìm sách vở, “chỉ ở nhà đọc sách” hay “ham thích đọc sách”[38] và rèn luyện phấn đấu để trở thành một người Thầy giáo có kiến thức phong phú, “học vấn tinh thông” lại cộng thêm đạo đức phẩm hạnh, kinh nghiệm ứng xử linh hoạt trong cuộc sống. Vì thế, ông nổi tiếng gần xa và được rất nhiều người kính phục, nể trọng, đông đảo học sinh quanh vùng Kinh thành và các tỉnh ở xa như vùng châu Hoan, châu Ái hay ở Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) đều rủ nhau lều chõng đến thụ nghiệp.

Hồ Nguyên Trừng, tên tự là Nam Ông, con trai trưởng của Hồ Quý Ly, sinh ra sau Chu Văn An vài chục năm, khi bị quân Minh bắt sang Trung Quốc, trong thời gian nhàn rỗi có viết tác phẩm Nam Ông mộng lục (南翁夢錄, Ghi chép Giấc mơ của Nam Ông (hay cũng có thể dịch thành: Ghi chép về giấc mơ của ông già nước Nam). Tác giả họ Hồ lấy tiêu đề Văn Trinh ngạnh trực (文貞硬直, Văn Trinh, con người cứng cáp và ngay thẳng) để viết về Chu Văn An như sau: “Chu An tên hiệu là Tiều Ẩn, người ở vùng Thượng Phúc, đất Giao Chỉ, tính ông liêm khiết và cương trực. Ở nhà thường ham thích đọc sách, học vấn tinh thông, tiếng tăm lẫy lừng xa gần…Chu An là người điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi”[39].

Hiện có hai tư liệu viết về việc Chu Văn An có đi thi đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ: đó là tấm bia hiện được lưu giữ tại Văn chỉ Chu Văn An ở thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, không có tiêu đề, chỉ có lạc khoản chép: Bia được dựng vào ngày lành tháng Trọng hạ (tháng Năm), năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), triều Lê, cũng không ghi tên người soạn văn bia. Nội dung bia chép: “Tướng công họ Chu tự Văn An, người thôn Văn xã ta, đỗ Tiến sĩ triều nhà Trần, làm quan trải 4 triều vua”[40]. Tư liệu thứ hai là Bản Thần tích xã Thanh Liệt được sao lại từ Đền Hùng chép: “Tiên sinh 12 tuổi đỗ Thái học sinh, 16 tuổi thi Đình thí, 24 tuổi làm Gián quan”[41]. Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời cho rằng tác giả soạn Thần tích đã lấy tiểu sử của Giới Hiên Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) để gán cho Chu Văn An. Giáo sư Trần Quốc Vượng còn nhấn mạnh: “Cho đến nay chưa có tài liệu nào thuyết phục được tôi là Chu An đậu Thái học sinh, nhưng không chịu làm quan. Tôi cho là ông tự học rồi làm Thầy đồ ở làng quê, dần nổi tiếng”[42].

Theo những tư liệu hiện có thì chưa có một sử liệu nào chép Chu Văn An có tham gia ứng thí và thi đỗ Thái học sinh hoặc Tiến sĩ đời Trần, nhưng không ra làm quan, trừ hai tài liệu mà chúng tôi vừa đề cập.

Tóm lại: Tư nghiệp Chu Văn An, vị đại thần đã hết lòng khuông phò triều Trần, tận tụy với sự nghiệp đào tạo nhân tài (bao gồm các vị vua khi còn trẻ tuổi và các môn sinh khắp nơi) trong thế kỷ XIV, bậc Sư biểu muôn đời của lịch sử giáo dục Việt Nam, với tính cách thanh cao, trong sạch, dám công khai dâng sớ để xử trảm bọn nịnh thần trong triều, đồng thời cũng không màng danh lợi, quyền lực rũ bỏ quan chức về vui thú điền viên, xứng đáng được hậu thế tôn vinh và kính mộ.

Xin được dừng bài viết ngắn tham gia Hội thảo về Danh nhân Chu Văn An, nhân chuẩn bị Kỉ niệm 650 năm ngày mất của ông (1370-2020) bằng nhận xét của Phan Huy Chú khi đưa Chu Văn An vào hạng nhà Nho có đức nghiệp “Ông Văn Trinh học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng Nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được”[43].

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Tâm – Viện Sử học

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”


[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998, T.II, tr.151-153.

[2]Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, T.3 (Tái bản lần thứ hai), Nxb.Thuận Hóa, Huế, tr.246; Bia Cảnh Hưng (1765), Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2012, tr.197.

[3] Tiên hiền bi ký (Bia ghi chép các vị tiên hiền), Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.198-199.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.153.

[5] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.68.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.153.

[7] Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1997, tr.466.

[8] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb.Văn hóa – Thông tin, H, 2007, tr.298.

[9] Viện Văn học, Thơ văn Lý -Trần, T.III, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1978, tr.694-696.

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.152; Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, tr.465; Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.I, Sđd, tr.647-648.

[11] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Sđd, tr.434; Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, T.3 (Tái bản lần thứ hai), Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.225. Đại Việt sử ký tiền biên, lại chép: “Trước nhà học có một cái đầm”, Sđd, tr.467,

[12]Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.201-202.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.153: Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, tr.465.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.153.

[15] Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, tr.465; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Sđd, tr.150.

[16] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, T.I, Nxb. Thế giới, H, 1997, tr.650-651.

[17] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Sđd, tr.150.

[18] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.151-152.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.I, Sđd, tr.647-648.

[20] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Sđd, tr.434.

[21] Nguyễn Hữu Tâm, Chế độ tuyển chọn, đãi ngộ của triều đình phong kiến đối với Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử giám Thăng Long, Kỷ yếu Hội thảo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, H, 2015.

[22] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.196-197.

[23] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.68.

[24]Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.145-146.

[25] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.127.

[26] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.II, Nxb.Giáo dục, 2007, tr.386, 424; Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb.Văn hóa – Thông tin, H, 2007, tr.130.

[27] Viện Văn học, Thơ văn Lý -Trần, T.III, Sđd, tr.52-66.

[28] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.II, Sđd, tr.426.

[29] Trần Quốc Vượng: Hà Nội như tôi hiểu, Nxb. Thời đại, H, 2009, tr.271.

[30] Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải, Việt sử yếu, Nxb. Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H, 2007, tr.238.

[31] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.46-47.

[32] Đại Nam nhất thống chí, Tỉnh Hà Nội, Nha Văn hóa, Tổng bộ Văn hóa xã hội, S, 1966, tr.77-78. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, T.3 (Tái bản lần thứ hai), có chép thêm ông là người xã Quang Liệt, Sđd, tr.256.

[33] 大南一統志, 河內省, 人物.

[34] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.151-153; Đại Việt sử ký tục biên, Sđd, tr.465; Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.Một, Nxb.Giáo dục, H, 1998, tr.647 – 648; Đặng Xuân Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb.Khoa học xã hội, H, 2000, tr.230-231…

[35] Đinh Xuân Lam – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất có chỉnh lý, bổ sung), Nxb. Giáo dục, H, 2005, tr.11.

[36] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.47-49.

[37] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.48.

[38]Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.152; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Sđd, tr.434; Viện Văn học, Thơ văn Lý -Trần, T.III, Sđd, tr.694-696.

[39] Viện Văn học, Thơ văn Lý -Trần, T.III, Sđd, tr.694-696.

[40] Bia Cảnh Hưng (1765), Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.196-197.

[41] Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội: Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, Sđd, tr.57.

[42] Trần Quốc Vượng: Hà Nội như tôi hiểu, Sđd, tr.240.

[43]Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.I, Nxb.Giáo dục, H, 2007, tr.435.

 

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám