vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

PHÚC THẦN CHU VĂN AN TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN


Từ Phúc thần được bộ Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên, xếp vào mục danh từ và giải thích: “Thần chuyên làm những điều tốt lành (thường là người có công đức đã chết đi, được nhân dân tôn thờ) được dân làng thờ làm Phúc thần”.

Quả đúng như vậy, tìm lại các tư liệu lịch sử, chúng ta có thể thấy các vị Phúc thần được nhân dân tôn thờ đều là những người con ưu tú của dân tộc sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ cuộc sống của người dân, như đời Trần có Phúc thần Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc, có Phúc thần Lê Lai đã biết liều mình cứu chúa, có Phúc thần Hoàng Diệu tử tiết với thành Hà Nội…Chúng ta lại có thể tìm thấy các vị Phúc thần có công mở mang đạo học tăng trưởng trí tuệ cho lớp hậu sinh như Lý Đạo Thành đời Lý, Chu Văn An đời Trần, Nguyễn Trãi đời Lê.

Danh xưng Phúc thần Chu Văn An được chúng tôi tìm thấy trong sách Tối linh từ thực lục đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1323. Sách ghi chép về lòng ngưỡng mộ của người dân Việt đối với danh nho Chu Văn An, trong đó có chép bài văn bia ở văn chỉ huyện Thanh Trì đặt tại làng Huỳnh Cung. Nhan đề văn bia ghi Huỳnh Cung huyện từ bi ký, nội dung tán thán công đức của Phúc thần Chu Văn An. Tác giả văn bia là Tiến sĩ Nguyễn Công Thái người làng Kim Lũ huyện Thanh Trì, thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1715, được bổ làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An. Khi viết văn bia tác giả đang đảm nhận chức vụ này, mở đầu viết:

“Công tính Chu, tự Văn An, Thanh Đàm nhân, sĩ Trần triều hoàn tứ thế thời, hựu ẩn cư Chí Linh sơn, hậu tặng Văn Trinh công, tòng tự Văn miếu, thử kỳ biệt từ yên.

Tục truyền giảng đàn chi sở, lũy triều vinh họa đăng trật, chí kim tự vi Phúc thần. Cựu hữu công sự tích, đàn trù đôi điệp thạch triện ngoan bình, tư phụng tự hương tướng tái kỳ soạn thuật. Hậu sinh thiêm dự đồng huyện, bất cảm dĩ thiển chuyết từ, cẩn bái thủ nhi tự chi”.

Dịch nghĩa:

“Ông là người huyện Thanh Đàm, họ Chu tên tự là Văn An, làm quan đời Trần trải qua bốn đời vua, sau về ở ẩn tại núi Chí Linh, khi mất được ban tặng tên thụy là Văn Trinh công, cho tòng tự ở Văn Miếu. Đây là đền thờ riêng Ngài.

Tương truyền nơi giảng đàn của Ngài đã được nhiều đời vua tôn vinh coi trọng, đến nay được tôn thờ làm Phúc thần. Trước đây từng có bia đá ghi lại công tích của ngài, song trải qua năm tháng bia đổ chữ mờ, nay những người đảm trách công việc thờ tự ở làng lại tìm đến nhờ tôi viết cho bài ký. Tôi là kẻ hậu sinh, may mắn được lạm vào hàng cùng huyện với Ngài, thế thì đâu dám vin cớ ngu hèn vụng dại để từ chối, vậy nên đành chắp tay cung kính có lời trình bày rằng”.

Làng Kim Lũ của Tiến sĩ Nguyễn Công Thái giáp cư giáp canh với làng Thanh Liệt. Nơi đây có một con ngòi đưa nước từ sông Tô Lịch chảy vào hồ tròn mênh mông sóng nước của làng Thanh Liệt, nên dân cư hai làng có chung một dòng sông, một đầm nước mênh mông tưới mát cho cánh đồng của hai làng Kim Lũ, Thanh Liệt. Đầm tròn còn đem lại nguồn lợi tôm cá dồi dào cho cư dân, vậy nên nhân dân hai làng thường xuyên qua lại với nhau. Năm Mậu Thân (1728) niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái tham dự kỳ thi khoa Đông các được lấy đỗ, rồi lại được bổ giữ chức Tế tửu trông coi trường Quốc Tử giám. Kết quả này cho thấy Hậu sinh Nguyễn Công Thái đã học hỏi được nhiều từ Tiên hiền Phúc thần Chu Văn An. Tiến sĩ Nguyễn Công Thái chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Danh nho Chu Văn An, nên trong văn bia Huỳnh Cung huyện từ bi ký ông có những nhận xét đánh giá rất sâu sắc, và cũng có thể xem là lý do để triều đình cho thờ Chu Văn An là Phúc thần. Văn bia viết:

“Ôi! Cái đáng quý nhất của bậc sĩ quân tử là để tâm vào việc học, coi trọng chí hướng, thế mà ông lại dám bỏ cả đi để giữ vững đại nghĩa, chẳng hề a dua theo thói tục. Xem xét về các nhà Nho của nước Việt ta thì duy nhất có một mình ngài làm việc chẳng có điều gì đáng hổ thẹn vậy thôi”.

Tác giả văn bia cũng cho biết thêm Phúc thần Chu Văn An được thờ ở hai nơi chính là làng Huỳnh Cung huyện Thanh Trì trấn Sơn Nam và làng Kiệt Đặc huyện Chí Linh trấn Hải Dương. Trong sách Tối linh từ thực lục nhắc đến ở trên có nhiều tư liệu có thể dùng làm chứng cứ cho nhận xét này, chẳng hạn như câu đối thờ ở đền Phượng Sơn do quan Huấn đạo huyện Thanh Trì là Lê Quang Cảnh soạn viết:

Cung thủy liên y, lý học nguyên lưu tồn chính ấn;

Phượng cương ngưỡng chỉ, hậu nhân sơn đẩu thử sơ cơ.

Nghĩa là:

Sông nước đất Huỳnh sóng sánh, mạch nguồn lý học có chính ấn từ nơi đây;

Đỉnh núi Phượng Sơn cao vọi, các túc nho đời sau đều coi ngài đây là nền tảng.

1. Sông nước đất Huỳnh sóng sánh

Đất Huỳnh tức là chỉ vào làng Huỳnh Cung tổng Cổ Điển huyện Thanh Trì, nơi mà nhà giáo Chu Văn An từng mở trường dạy học. Các sách địa chí cổ cho biết ngoài xã Huỳnh Cung ra còn có 6 xã trong tổng Thanh Liệt thời bấy giờ cũng thờ. Đó là: Thanh Liệt, Bằng Liệt, Tựu Liệt, Linh Đường, Pháp Vân và Tứ Kỳ. Bảy xã này đều thờ hai vị học trò của nhà giáo Chu Văn An làm Phúc thần, ngoài ra còn có xã Đại Từ ở tổng Khương Đình cũng thờ. Tám xã có ngôi đền thờ chung ở xứ Xá Càn, tục gọi là Đền Càn. Sách Tối linh từ thực lục miêu tả hình thế của Đền Càn rất thần bí:

“Bên trái đền thờ Thần có gò Mộc Tinh, đây là mạch nguồn của lúa thóc. Mạch chạy dài đến xứ Xá Càn lại nổi lên một gò Mộc Tinh khác. Thần từ được dựng trên đỉnh gò, trước mặt có hai gò Thổ Tinh đứng làm tiền án chắn giữ từ xa. Nhìn từ xa lại thấy bản ấp có dòng khe chảy đến rất tự nhiên. Đây quả thực là miền đất phúc”.

Các vị phúc thần thờ ở Đền Càn luôn hiển linh để phò trợ dân các xã của tổng Thanh Liệt. Hàng năm mỗi khi gặp hạn hán, dân xã đến làm lễ cầu đảo ở Đền, đều thấy linh ứng, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Do vậy dân cả tổng đều nô nức kéo đến lễ bái chật kín cả đền. Sách Tối linh từ thực lục, ghi được một truyền thuyết khá kỳ thú. Bấy giờ cả tổng Thanh Liệt đều thờ thánh, song đền thờ lại xây dựng trên đất xã Bằng Liệt, nên người xã Bằng Liệt được đứng ra làm chủ, còn các xã Pháp Vân, Tứ Kỳ, Linh Đường, Huỳnh Cung, Đại Từ, Tựu Liệt, Thanh Liệt đều chỉ là tòng tự. Trải các đời Trần, Lê việc tế lễ thuận theo như thế, song song đến triều Mạc (1527-1592), do quân Mạc chiếm giữ Thăng Long, nên lòng người trong tổng Thanh Liệt không còn thuần hậu như xưa. Một lần đến kỳ lễ thánh, mọi người hội họp và hẹn ước với nhau rằng, sáng sớm hôm sau hễ nghe thấy ba hồi pháo lệnh phát ra ở Đền Càn làng nào dâng lễ vật đến sớm nhất rước được bài vị về thì sẽ được làm chủ tế dứng đầu cả tổng. Hôm ấy làng Pháp Vân ở cạnh đầm Linh Đường, rất gần với đền, dân làng lại làm nghề đánh cá, thạo việc sông nước, vì thế đã đến trước rước bài vị đức Thánh về thờ ở làng. Các làng khác như Tứ Kỳ, Linh Đường, Bằng Liệt, Đại Từ, Tựu Liệt, Huỳnh Cung đến sau đành ngậm ngùi rước các đồ tế khí về thờ. Làng Tứ Kỳ nhận bản đọc văn tế, làng Linh Đường nhận được bộ chén uống rượu, làng Đại Từ nhận được đôi đũa và liễn đựng cơm, làng Tựu Liệt nhận được chậu quán tẩy, làng Bằng Liệt nhận được bộ bàn ghế. Riêng làng Thanh Liệt quê hương của Phúc Thần Chu Văn An đến sau cùng chẳng còn gì để nhận, đành phải về không.

Câu chuyện dân gian đậm màu huyền thoại đã thể hiện tấm lòng của người dân tổng Thanh Liệt đối với Phúc thần Đền Càn. Ngoài các làng ở huyện Thanh Trì kể trên, còn một làng Lê Xá nằm mãi bên bờ sông Nhuệ cũng lễ vọng Phúc thần. Làng Lê Xá thuộc xã Hữu Thanh Oai tổng Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai nằm bên hữu sông Nhuệ, đối ngạn với dòng nước Cầu Bươu bên tả ngạn. Sách Thanh Liệt xã công khoán lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a2 cho biết làng Thanh Liệt xưa có đầm nước lớn, dân làng gọi là Đầm Tròn nằm cạnh chùa Quang Ân của thôn Trung rộng mấy ngàn mẫu đất trải dài đến cánh đồng làng Tả Thanh Oai, thông với sông Nhuệ bằng ngòi nước nhỏ, gọi là ngòi Cầu Bươu.

Tương truyền hai vị Thủy thần con vua Thủy Tề cai quản Đầm Tròn này từng theo ngòi Cầu Bươu đi ra sông Nhuệ, đến chơi ở đình làng Lê Xá. Do vậy sau khi hai vị Thủy thần thăng hóa thì làng Lê Xá cũng lập đền thờ vọng và thờ cả Phúc thần Chu Văn An. Ở thành phố Hà Nội, ngoài các làng xã nói trên còn có làng Hương Viên ở tổng Thanh Nhàn huyện Thọ Xương cũng thờ Phúc thần Chu Văn An. Đình làng Hương Viên nằm ở khu vực phố Lê Ngọc Hân quận Hai Bà đã bị phá hủy từ lâu, nay nhân dân địa phương rước bài vị của tôn thần vào chùa Đức Viên ở phố Trần Xuân Soạn.

Những ghi chép trình bày ở trên đã cho thấy tấm lòng của người dân Hà Nội đối với Phúc thần Chu Văn An, trải qua năm tháng càng lâu càng thêm sâu nặng.

2. ĐỈnh núi PhưỢng Sơn cao vỌi

Đền thờ Phúc thần Chu Văn An ở huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương được xây dựng từ xưa. Hiện trong khu vực đền còn lưu giữ nhiều bia đá ghi lại công tích của phúc thần, trong đó có văn bia Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cứ xứ do Tiến sĩ Lê Đản soạn, là có niên đại cổ hơn cả. Lê Đản người làng Hương La huyện Yên Phong trấn Kinh Bắc, thi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), đến năm 1783 được cử về giữ chức Hiến sát sứ đạo Hải Dương.

Khi chưa đỗ đạt ông từng theo học Hoàng giáp Bùi Huy Bích ở Thăng Long. Đến khi được cử đi làm quan ở Hải Dương có đến Thăng Long bái biệt thày. Hoàng giáp Bùi Huy Bích bấy giờ đang làm Tham tụng ở phủ Chúa liền dặn dò Lê Đản rằng: “Ông đi làm quan ở Hải Dương, nên tìm đến thăm nơi ở ẩn của Tiên sinh Chu Văn Trinh tại làng Kiệt Đặc huyện Chí Linh”. Văn bia này được người đời truyền tụng và gọi bằng cái tên thân mật là Bát tự bi, nghĩa là văn bia có đầu nhan đề ghi bằng tám chữ Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ. Đến năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) Cử nhân Nguyễn Bảo được cử làm Án sát sứ tỉnh Hải Dương đã dụng công sưu tập thơ văn của tiền nhân vào tập sách Phượng sơn từ chí lược, lại cho khắc ván in lưu hành rộng rãi. Trong bài Chu Văn Trinh hành trạng thuyết, Án sát sứ Nguyễn Bảo đã giới thiệu khá đầy đủ về thân thế sự nghiệp của Chu Tiên sinh. Tác giả viết ra những lời rất tâm huyết, dễ làm xúc động lòng người. Mở đầu bài văn nghị luận đó, Nguyễn Bảo viết:

“Chu Văn Trinh tiên sinh là bậc Nho tông của nước Việt ta, văn chương công hạnh của Tiên sinh được người đời truyền tụng thực sự đã rõ rồi!

Trước đây Bảo tôi đọc sử đến đoạn văn viết về Tiên sinh, không lần nào không cúi đầu suy ngẫm nuối tiếc rồi bật ra lời than rằng, vì sao mà các sử gia lại viết kiệm lời như thế!”

Án sát sứ Nguyễn Bảo nuối tiếc vì tư liệu viết về Phúc thần Chu Văn An tuy đã rõ rồi, song lại quá ít. Vì vậy ông đã dụng công sưu tập văn bia, thơ phú và cả câu đối đại tự viết về Tiên sinh. Hiện ở đền thờ Chu Văn An tại làng Kiệt Đặc huyện Chí Linh còn lưu giữ được hàng chục đôi câu đối, hàng chục bức hoành phi tán thán công đức của Tiên sinh, ví dụ câu:

Trần vãn sớ vi hưu, vạn thế đồng chiêm hiền giả cách,

Phượng Sơn tồn ẩn xứ, thiên niên trường ngưỡng triết nhân phong.

Nghĩa là:

Cuối đời Trần dâng sớ về hưu, muôn thuở tôn sùng cốt cách của bậc hiền giả;

Núi Phượng Sơn tìm nơi ở ẩn, ngàn đời ngưỡng vọng phong thái của hạng triết nhân.

Đặc biệt ở gian giữa đền thấy treo bức đại tự rất trang nghiêm:

Nho tông Phúc thần

Nghĩa là:

Phúc thần của đạo Nho ở nước Việt

Trong lịch sử tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, những người con ưu tú tận tụy với dân, lúc mất đi được dân tôn thờ làm Phúc thần, thờ phụng ở đình làng thì rất nhiều, song được dân tôn làm Phúc thần của đạo Nho thì thực rất hiếm.

3. PHÚC THẦN CỦA ĐẠO NHO

Trong văn bia Huỳnh Cung huyện từ bi ký, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái soạn đã có những nhận xét đánh giá rất đúng về tầm ảnh hưởng của Phúc thần Chu Văn An đối với việc chấn hưng đạo học và nâng cao phong cách sống làm người của dân chúng. Văn bia viết:

“Ô hô! Thánh hiền hạnh viễn, phi Công tự nhậm thùy kỳ học giả Thái Sơn; Liêm xỉ phong vi, phi Công cao thượng thùy kỳ sĩ phu để trụ! Thụy viết Văn Trinh phi hư mỹ dã!”

Nghĩa là:

“Than ôi! Các bậc Thánh hiền nay đã xa lắm rồi, nếu chẳng có Ngài tự gánh trách nhiệm thì lấy ai làm Thái sơn Bắc đẩu cho lũ học trò noi theo; Phong cách coi trọng liêm xỉ đã suy đồi, nếu chẳng có Ngài tính cách cao thượng thì lấy ai làm trụ cột vững chãi cho đám sĩ phu học tập! Vậy thì việc Ngài được ban tên thụy là Văn Trinh đâu phải chỉ là hư danh!”

Phúc thần Chu Văn An khi mất được Hoàng đế nhà Trần ban tên thụy là Văn Trinh, cho tòng tự ở Văn miếu Thăng Long. Sách Phượng Sơn từ chí lược cho biết, việc để Văn Trinh công tòng tự ở Văn miếu Thăng Long tồn tại suốt các đời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê trung hưng trải đến đời Tây Sơn thì chưa kịp đưa vào. Đến năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) triều Nguyễn, các quan ở bộ Lễ dâng sớ xin đưa Ngài vào tòng tự ở Văn miếu. Nhà vua giao cho các đình thần tra xét, đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) thì mới được chấp thuận. Ngoài việc được phối thờ ở Văn miếu quốc gia, Phúc thần Chu Văn An còn được nhiều làng quê lập ban thờ ở Văn chỉ hàng xã, văn từ hàng tổng, và văn miếu hàng huyện. Sách Tối linh từ thực lục sao chép được văn bia Văn Điển từ chỉ bi ký do Hoàng giáp Bùi Huy Bích soạn ghi nhận, làng Văn Điển tổng Cổ Điển huyện Thanh Trì xây dựng từ chỉ, lập bài vị thờ Phúc thần Chu Văn An. Văn bia viết:

“Chu tiên sinh không phải là người làng Văn Điển, thế mà dân làng lại rước ngài về thờ ở từ chỉ, sao vậy? Bởi lẽ thời xưa một quóc gia không sinh ra bậc Tiên sư, nhưng đã biết rước bậc Tiên sư của nước láng giềng về thờ, huống hồ Chu tiên sinh là bậc Nho tông của nước Việt, và cũng là bậc tiền bối của huyện Thanh Trì. Tiên sinh dốc chí vào đạo làm việc hết lòng, chẳng cầu danh lợi, chính trực đứng trong triều, bước tiến hợp theo lễ, lui về đúng đạo nghĩa, khiến cho ai biết tiếng cũng đều kính phục”.

Ngoài làng Văn Điển tổng Cổ Điển huyện Thanh Trì ra, còn nhiều làng xã ở các trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương cũng đều phối thờ Chu tiên sinh ở Văn từ. Chúng tôi tìm hiểu các bản văn tế của các làng xã đang lưu giữ tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu AF, thì thấy có đến hàng chục làng xã tôn thờ Phúc thần Chu Văn An ở Văn chỉ, như:

- Xã Bút Phong huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam.

- Xã Phong Cốc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.

- Xã Cự Sưu huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên.

- Xã Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc.

- Xã An Liệt huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương.

Nội dung văn tế tiên hiền ngắn gọn súc tích, bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế với các vị thánh sư, cầu mong cho đạo học mở mang. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bản văn tế của làng Dã Cát huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội, để chúng ta có thể hình dung được phần nào nghi lễ quan trọng ấy:

Văn tế tại Văn từ Dã Cát

Ngày tháng năm

Hội Tư văn của làng sắm sanh lễ vật kính dâng lên bàn thờ chư vị Tiên thánh:

Đại Thành Chí thánh Văn Tuyên Vương cùng các vị Tứ phối, Thập triết, và các vị Đông liêm Thừa hương hầu Đạm Đài Diệt Minh, Tây liêm Đệ sư hầu Văn Trinh công Chu An, lại kính thỉnh chư vị tiên hiền hậu hiền ở bản huyện cùng về phối hưởng.

Kính nghĩ Đức Thánh Vương,

Tiếp nối đế Thuấn đế Nghiêu,

Học đòi vua Văn vua Vũ.

San định lại lục kinh,

Để truyền cho muôn thuở.

Vừa qua lễ Xuân đinh,

Nay đến tuần Thu tế.

Cung kính dâng lễ vật,

Xin thấu tỏ lòng thành.

Ban cho lời dạy bảo,

Để đạo học tốt lành.

Người đi thi được đỗ,

Đạo thống được thông hành.

Nền Tư văn còn mãi !

Đạm Đài Diệt Minh là học trò của Khổng Tử. Ông là người đất Vũ Thành nước Lỗ, nay thuộc phía nam huyện Đông Phí tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, được làng Dã Cát thờ ở nhà Đông liêm của Văn từ, còn Văn Trinh công Chu An được thờ ở nhà Tây liêm đăng đối với nhà Đông liêm. Điều đó cho thấy lòng tin của người dân nước Việt gửi vào Việt điện Nho tông Phúc thần Chu Văn An sâu nặng biết dường nào!

Tác giả: PGS. Nguyễn Tá Nhí (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ, No19533- 34

2. Chu tiên sinh hành trạng, No1935 - 36

3. Tối linh từ thực lục , A.1323

4. Phượng Sơn từ chí lược, VHv. 1287

5. Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, A.718

6. Làng xã ngoại thành Hà Nội, Bùi Thiết, Nxb Hà Nội, 1985

7. Quốc triều đăng khoa lục, Nxb Khoa học xã hội, 1995. 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám