vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CHU VĂN AN QUA NGUỒN TƯ LIỆU HÁN NÔM


Chu Văn An 朱 文 安, còn gọi là Chu An 朱 安 , hoặc Chu Văn Trinh 朱 文 貞 , tự Linh Triệt 靈 徹, hiệu Tiều Ẩn 樵 隐, sinh năm 1292, tại thôn Văn xã Quang Liệt huyện Thanh Đàm – Nay thuộc xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

             Lúc nhỏ ông thông minh, học rộng, tính tình cương trực. Khi trưởng thành, ông dựng nhà học (trường học) ở gò đất tiếp giáp giữa làng ông với làng Cung Hoàng (sau đổi tên là Huỳnh Cung) lấy làm nơi giảng tập cho học sinh trong làng cũng như nơi khác đến học tập. Ngôi trường này, theo mô tả trong Phượng sơn từ chí lược 鳳 山 祠 志 略: Phía trước có hồ nước, làm thú hóng gió, tắm mát và để ngâm vịnh(1). Giáo trình giảng dạy của ông thời đó chắc chắn không vượt ngoài khuôn khổ của “Nhất thiên tự”, “Tam thiên tự” hoặc cao hơn là “Tứ thư”, “Ngũ kinh” cùng các tài liệu khác phục vụ cho thi cử.

Hiện chưa rõ ông đỗ đại khoa vào năm nào. Các sách Đăng khoa lục chép tay ở thời Lê đều không đề cập, chỉ có bộ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục鼎 契 大 越 歷 朝 登 科 錄 của nhóm tác giả Nguyễn Hoàn, biên soạn và khắc mộc bản vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đưa danh tính, quê quán của ông vào mục “Bổ di 補 遺 ”, nhưng không ghi đỗ năm nào, học vị ra sao.

 Song nếu căn cứ vào khoa cử thời Trần thì ở thời kỳ này, triều đình đã mở các kỳ thi đại khoa nhưng chưa thành thông lệ ba năm một lần như dưới thời Lê sơ, cho dù thi đại khoa ở thời Trần đã ổn định hơn so với thờ Lý. Các khoa thi đại khoa ở thời Trần chủ yếu là khoa thi mang tên “Thái học sinh”, người đỗ nhận học vị tương đương như học vị Tiến sĩ về sau. Hơn nữa, ở thời Trần chưa có sách Đăng khoa lục để ghi họ tên, quê quán, hành trạng của người đỗ đại khoa. Có chăng chỉ được đề cập vắn tắt trong chính sử đương thời. Lê Quý Đôn từng chia sẻ điều này: “Nước ta về hai triều đại Lý – Trần không ghi chép gì, vì thế tên người đỗ các khoa thi phần nhiều không khảo cứu được”(2).

Với lý do đó, có thể thấy các soạn giả của bộ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đưa ông vào mục “Bổ di” là nhằm tránh bỏ sót người đỗ đại khoa ở thời Trần. Do vậy chúng tôi cho rằng Chu Văn An đỗ Thái học sinh là có căn cứ, đành rằng vẫn phải để khuyết về năm đỗ Thái học sinh của ông.

Nhờ tài học nên ông được vua Trần Minh Tông (1314-1329), vào khoảng niên hiệu Khai Thái (1321-1329) mời ra giữ chức Tư nghiệp ở Trường Quốc Tử Giám Thăng Long. Trong thời gian này, ông dạy học cho Thái tử Trần Vượng, con của bà phi họ Lê. Về hình thức, với chức vụ Tư nghiệp, coi quản việc học tập trong Quốc Tử Giám song thực chất là để rèn cặp cho Thái tử Vượng trở thành vị vua đương triều. Đây là sự đóng góp to lớn của Chu Văn An vào sự nghiệp giáo dục,  mà giáo dục ở đây là một vị vua trẻ, cho dù vị vua này được sử gia về sau đánh giá: “Vua tư trời tinh anh, sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng hưởng thọ không dài, chưa thấy làm được gì, đáng tiếc thay”(3). Cũng trong thời gian dạy học ở Quốc Tử Giám, ông soạn ra bộ Tứ thư thuyết ước 四 書 說 約” – Một loại sách giáo khoa dùng cho sĩ tử đương thời.

Sau khi Trần Hiến Tông băng hà, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341-1369), ông vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục tại Quốc Tử Giám Thăng Long. Tuy nhiên đây là thời kỳ đất nước có nhiều biến động, bản thân vua là người bê trễ chính sự, sa đà vào con đường ăn chơi, khiến triều đình rối nát, loạn lạc nổi lên như ong. Bọn gian thần kéo bè, kết đảng, lũng đoạn triều chinh. Trong bối cảnh đó, ông dâng sớ chém 7 kẻ nịnh thần, gọi là Thất trảm sớ 七 斬 疏 .

 Tờ sớ chấn động đương thời, nay chưa rõ diện mạo, nên không biết 7 kẻ nịnh thần là ai, chỉ có thể hiểu phần nào nội dung tờ sớ qua ghi nhận của Ngô Sĩ Liên: “Người hiền được dùng ở đời thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên vua [sáng] tôi [hiền] gặp nhau từ xưa vẫn rất khó. Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều nhưng kẻ thì nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ gần được như thế. Nhưng Tô Hiến Thành gặp được vua (sáng suốt) cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua (anh minh) nên chính học của ông đời sau mới thấy được”(4).

Sớ của ông không được Dụ Tông trả lời, ông xin từ quan. Về sau có đôi câu đối đề cập đến sự kiện này:

一 疏 歸 休 仕 止 允 速 之 間 衷 諸 道

四 書 說 約 格 致 誠 正 之 學 溯 其 傳

Nhất sớ quy hưu, sĩ chỉ doãn tốc chi gian trung chư đạo;

Tứ thư thuyết ước, cách trí thành chính chi học tố kỳ truyền.

(Dâng sớ xin trí sĩ, trong khi nghỉ việc quan lòng còn ôm chữ đạo;

Soạn Tứ thư thuyết ước, sự học cách trí thành chính còn lưu truyền) (5)

Ông trở về ở ẩn tại làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (Hải Dương), làm nhà ở giữa hai ngọn núi Kỳ Lân – Phượng Hoàng và tiếp tục mở trường dạy học. Tuy là ở ẩn, vui thú với cảnh núi non, tránh xa giới quan trường song ông luôn nghĩ đến triều đình. Vua Dụ Tông có chỉ triệu ông hồi triều nhưng ông từ chối, khiến vua có ý tức giận,

Khi Dụ Tông băng hà, Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, nhà Trần sắp mất, biết tin Trần Nghệ Hoàng phục nghiệp, ông rất mừng, về yết kiến rồi trở lại núi cũ, không nhận chức vụ gì. Ông qua đời vào cuối năm 1370, triều đình truy tặng tước Văn Trinh công 文 貞 公 , ban tên thụy là Khang Tiết 康 節, cho tòng tự tại Văn Miếu.

Đánh giá về cuộc đời ông, sử gia Phan Huy Chú viết: “Ông người làng Thanh Đàm, tính cứng cỏi sửa mình trong sạch, giữ vững khí tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Cái học của ông tinh túy chân chính, chỗ ở gọi là Văn thôn. Ông dựng nhà học trên gò lớn giữa đầm để dạy học trò, xa gần nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò ông làm nên khá nhiều, thường có người làm chức cao trong chính phủ. Trần Minh Tông cho ông có học vấn về chính đạo, gọi ra cho làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy Thái tử học. Đạo đức của ông làm khuôn mẫu, đương thời ai cũng trọng. Trần Dụ Tông chỉ thích vui chơi, trễ nải chỉnh sự, bề tôi nhiều người không giữ phép, ông can không nghe, mới dâng sớ xin chém 7 người nịnh thần,đều  là những kẻ quyền thế được vua yêu; người bấy giờ gọi là sớ “Thất trảm”. Sớ đệ vào không thấy trả lời, ông mới treo mũ từ quan về làng. Ông yêu phong cảnh núi Chí Linh bèn đến ở đấy, tự đặt tên hiệu là Tiều Ẩn. Khi có lễ triều hội thì lại về kinh, Dụ Tông giao cho coi chính sự, ông từ chối không nhận. Bà Thái hoàng Thái hậu Hiến từ nói: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được, sao có thể đem chính sự giao cho người ta?”. Vua sai nội thần mang áo đến ban cho ông, ông tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cũng khen cái phong độ của ông là cao thượng. Khi Dụ Tông mất, ngôi nhà Trần sắp tuyệt. Nghe tin quần thần đón lập Nghệ Tông lên, ông rất mừng, chống gậy lên yết kiến. Rồi lại xin về làng, phong chức gì cũng từ chối không nhận. Vua lấy lễ tôn kính, sai quần thần đưa về. Không bao lâu ông chết ở nhà”(6).

Sau Chu Văn An, vào năm 1372, triều đình tiếp tục đưa Trương Hán Siêu vào thờ tại Văn miếu. Đến năm 1380, lại có Đỗ Tử Bình được thờ tự tại đây. Về sau các sử gia Việt Nam, từ Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, Ngô Thì Sĩ đến Đặng Xuân Bảng đều có ý kiến nhận xét về từng người, chỉ có Chu Văn An là không bị công kích, hai vị còn lại phải đưa khỏi Văn miếu. Qua đây cho thấy ông được thờ suốt từ năm 1370 đến năm 1809, khi Văn miếu Quốc Tử Giám Hà nội không còn giữ vị trí là Văn miếu quốc gia, chuyển thành Văn miếu của Bắc thành. Đến năm 1837, ông lại được thờ tại Văn miếu Huế, khi văn miếu này chính thức trở thành Văn miếu cấp trung ương.

Tại Văn từ của huyện Thanh Trì, nơi ông được thờ làm tiên hiền, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Công Thái, người làng Kim Lũ (làng Lủ) huyện Thanh Trì soạn, ghi nhận: “ Ngài họ Chu, húy An, người huyện Thanh Đàm xưa, sinh vào thời Trần, trải qua bốn triều vua, có lúc về ẩn ở núi Chí Linh, sau được phong tặng là Văn Trinh công, phụ thờ ở Văn miếu. Ngôi đền này là thờ riêng, tục truyền là nơi ngài dạy học khi trước. Các triều đều gia phong trật, tới nay thờ làm Phúc thần […]. Phàm là kẻ sĩ quân tử, chuộng ở đạo đức, lập chí, lúc ra làm quan, lúc bỏ việc đều theo chính nghĩa, không theo thói đời. Xét các nhà nho nước Việt ta, duy có ngài là xứng với những điều đó” (7)

Tại Văn chỉ của nhiều xã cũng thờ Chu Văn An làm tiên hiền, trong đó có Văn chỉ của xã Văn Điển cùng huyện Thanh Trì. Lý do thờ Chu Văn An được giải thích như sau: “Trong đền của xã, các vị Nho sinh phải đặt lên hàng đầu, Chu Tiên sinh không phải là người xã Văn Điển, vậy cớ sao được đưa về thờ tại đây? Xưa nếu nước mà không có bậc tiên sư thì thờ tiên sư nước láng giềng. Huống hồ Chu Tiên sinh là bậc đại nho nước Việt ta lại là tiền bối của đất Thanh Trì. Tiên sinh đặt chí ở đạo, dốc lòng tu sửa đức hạnh, không màng tiếng tăm, đứng trong triều đình thì ngay thẳng, tiến thì giữ lễ, lui thì giữ nghĩa, nghe đến phong thái của ông cũng đủ phải kiêng nể, người đời gọi ông là Tiên sinh” (8)

Còn tại một số đình làng, như đình Thanh Liệt tổng Thanh Liệt huyện Thanh Trì, đình Huỳnh Cung tổng Cổ Điển huyện Thanh Trì… thờ ông làm Thành hoàng.

Về tác phẩm, trong Mục Tiên sinh thi tập 先 生 詩 集 , sách Phượng sơn từ chí lược, viết: “Tiên sinh viết sách và lập ngôn, cùng với chương sớ của nó ra sao, đời sau đã không thể tra cứu. Khoảng niên hiệu Cảnh Hưng thời Lê, Quế Đường Lê Quý Đôn, người Duyên Hà, biên tập thơ nước Việt ta, mới chép đủ sự trạng của tiên sinh và một số bài thơ do ông làm, trong đó gồm một bài cổ thể và mười bài thơ cận thể. Sau đó, ông Tồn Am Bùi Huy Bích ở Thịnh Liệt lại bớt đi một số và biên tập vào Việt âm thi tuyển, nay lưu hành ở đời chỉ còn một phần mười mà thôi” (9)

 Qua tìm hiểu cho thấy tác phẩm của ông còn lại đến nay gồm 12 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục 全 越 詩 錄, của Lê Quý Đôn (A.132, quyển 2); Chu Văn Trinh Tiên sinh hành trạng thi tập 朱 文 貞 先 生 行 狀 詩 集 (VHv298); Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư 清 池 光 烈 朱 氏 遺 書 (A.843); Phượng Sơn từ chí lược 鳳 山 祠 志 略 (A.195)… Những tác phẩm khác hiện chưa tìm thấy gồm Thất trảm sớ 七 斬 疏; Tiều Ẩn thi tập 樵隐 詩 集 và Tứ thư thuyết ước 四 書 說 約.

Như vậy có thể khẳng định trong cuộc đời hoạt động của Chu Văn An, ông đã giành gần như trọn đời cho sự nghiệp giáo dục ở 3 nơi khác nhau, là quê hương ông, Trường Quốc Tử Giám Thăng Long và Chí Linh, Hải Dương. Ông có lẽ là người đầu tiên ở nước ta mở trường tư dạy học cho học sinh ở làng xã trước đây phản ánh qua tư liệu thành văn Hán Nôm. Học trò của ông kể đến hàng nghìn, trong đó có nhiều người thành đạt, mà tiêu biểu là 2 nhà nho Phạm Sư Mạnh và Lê Quát. Hơn nữa có giai thoại cho rằng học trò của ông là thủy thần. Điều đó chứng tỏ ông không phân biệt học trò theo tầng lớp xuất thân, hoặc theo lý lịch, điều cốt yếu là nếu theo học ở ông, ông sẽ giảng dạy một cách chân thành. Đây là tư tưởng tiến bộ trong giáo dục học sinh của ông. Cách giảng dạy của ông cũng nghiêm khắc, khiến học trò nể phục. Ông không chỉ dạy cho con em nông dân nơi làng xóm mà còn giảng tập cho cả Thái tử ở triều đình. Đó được xem là thành tựu nổi bật trong sự nghiệp “ trồng người” của Chu Văn An.

 Đối với làm quan, trước thời cuộc rối ren, ông khuyên vua trừ gian nhưng không được chấp thuận nên từ quan, về ở ẩn để tiếp tục dạy học. Khi qua đời, ông không chỉ được thờ tự ở Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long, mà còn được thờ tại Văn miếu Huế. Cần nói thêm: Ông không chỉ được thờ với tư cách là tiên hiền ở Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ từ trung ương xuống địa phương, mà còn được thờ với tư cách là Thành hoàng làng ở nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là điều đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Do vậy cần đánh giá sự cống hiến của Chu Văn An ở phương diện giáo dục là chính. Tức coi di sản về giáo dục do ông để lại giữ vị trí đặc biệt trong cuộc đời hoạt động của ông. Theo tinh thần đó, chúng tôi cho rằng Chu Văn An là nhà giáo dục xuất sắc nhất ở nước ta thời quân chủ.

________________

                Chú thích:

        (1) Phượng sơn từ chí lược, Mục Tiên sinh hành trạng, A.195, tờ 6b

        (2) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 117.

         (3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.117.

        (4) Đại Việt sử ký toàn thư (Sđd), tr.152-153.

         (5)Phượng Sơn từ chí lược, A.195, tờ 40a.

     (6) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.364.

     (7) Nguyễn Thị Ngọc Yến,Nghiên cứu văn bản Phượng sơn từ chí lược, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, tr. 111.

(8) Nguyễn Thị Ngọc Yến,Nghiên cứu văn bản Phượng sơn từ chí lược, (sđ d), tr. 113.

(9) Nguyễn Thị Ngọc Yến,Nghiên cứu văn bản Phượng sơn từ chí lược, (sđd), tr.99.
     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) (1993), Ngô Đức Thọ (chủ biên), Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Nxb Văn học, Hà Nội.
  3. Chu Văn An người thầy của muôn đời (2012), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
  5. Trịnh Khắc Mạnh (2007), Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  7. Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
  8. Hoài Việt (2003), Chu Văn An khuôn mặt người thầy, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Ngọc Yến (2010), Nghiên cứu văn bản Phượng Sơn từ chí lược, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm.
  10. Tác giả TS. Nguyễn Hữu Mùi (Viện nghiên cứu Hán Nôm)
  11. Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp” 
  12.  

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám