vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

ẢNH HƯỞNG CỦA CHU VĂN AN VỚI ĐƯƠNG THỜI


Thời Trần (1226-1400) tuy khoa cử không thịnh đạt và nhiều thành tựu khoa bảng như triều Lê sơ nhưng là triều đại được Lê Quý Đôn cho là văn hiến "tinh anh nhân tài, khí phách văn chương không khác gì Trung Quốc"[1].

            Trong phần Tài phẩm (tài năng phẩm hạnh), Lê Quý Đôn có viện dẫn nhân vật Lỗ Trọng Liên[2] để bàn về các cao sĩ của nước ta. Ông viết: "Vua nước Ngụy hỏi Tử Thuận về người sĩ phu thanh cao trong thiên hạ. Tử Thuận trả lời có Lỗ Trọng Liên. Lúc ấy người ta cho lời nói của Tử Thuận là đúng. Này, người sĩ thanh cao cư xử hợp với điều nhân, nắm vững được điều nghĩa, trong bụng giữ vững đạo đức, lợi lộc không thể dụ dỗ được, uy thế không thể uy hiếp được, suốt cả mọi sự việc thiên hạ không một vật gì có thể làm chuyển động trong lòng. Phong độ khí tiết của Trọng Liên thật xứng đáng là bậc cao sĩ.

            Nói về nước ta thì triều Trần có 5 người[3]:

            - Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất.

            - Đặng Tảo được ban ơn, không lấy làm vui mừng, mà cam tâm ở nơi vườn ruộng. Về nhân vật Đặng Tảo, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Đặng Tảo đỗ Thái học sinh, sống vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Khi Trần Anh Tông mất, Đặng Tảo phụng mệnh trông coi lăng tẩm, mỗi khi Trần Minh Tông đến viếng thăm, ông thường lánh đi nơi khác không cầu cạnh gì. Minh Tông thương là nghèo, ban cho 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy cho. Ruộng này trước đã ban cho thứ phi của Minh Tông là Thiên Xuân. Thiên Xuân cứ giữ giấy cũ mà cày cấy, thế mà Tảo vẫn không tranh chấp với bà. Thế Hưng biết chuyện, tâu thực với vua. Vua lập tức thu lại giấy của Thiên Xuân, đem ruộng trả cho Tảo. Ông cũng chẳng lấy làm mừng[4].

            - Trương Đỗ ba lần dâng lời can, không được vua dùng, mà đi ở ẩn không ra làm quan. Toàn thư chép về nhân vật này như sau: Trương Đỗ là người thanh liêm thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn... thi đỗ Tiến sĩ, rất nổi danh, làm quan đến chức Ngự sử đài tư gián Đình úy tự khanh Trung đô phủ Tổng quản. Khi giữ chức Ngự sử thời Trần Duệ Tông, ông ba lần dâng sớ can ngăn Duệ Tông thân hành đi đánh Chiêm Thành, lấy cớ rằng Chiêm Thành xa khơi, núi sông hiểm trở, chỉ nên dùng đức hóa an ủi để họ thần phục, không nên đem quân đi viễn chinh, nhưng không lần nào được Duệ Tông trả lời. Đỗ liền từ quan. Sau Duệ Tông thân chinh tử trận. Đánh giá về Trương Đỗ, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: "Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là đã xứng đáng với chức vụ của mình, khi can thì nói tới ba lần, thế là đã dám chạm đến cả vua. Vậy mà ông không được vua nghe, thế là tâm trí nhà vua đã lẫn rồi! Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Đỗ đều đã hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lại hay lợi cho thân vua. Việc này có thể làm gương được[5].

            - Bùi Mộng Hoa biết họ Hồ chuyên quyền mà đi ở ẩn không ra làm quan. Bùi Mộng Hoa sống vào cuối thế kỷ XIV, dưới triều Trần Nghệ Tông và Trần Thuận Tông. Mộng Hoa từng dâng sớ nói Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần. Nghệ Tông đưa  tờ sớ ấy cho Quý Ly xem, đến khi Quý Ly chuyên quyền, Mộng Hoa liền đi ở ẩn. Sự kiện này được Toàn thư cho biết: Tháng 4 năm Nhâm Thân, niên hiệu Quang Thái thứ 5 (1392), Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: "Thần nghe trẻ con có câu hát rằng: "Thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế, Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu". Thượng hoàng [Trần Nghệ Tông] xem xong tờ tâu rồi đưa cho Quý Ly. Sau Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa"[6].

            - Trần Đình Thâm giả làm tai điếc để tránh tai họa, mà không chịu thần phục bọn bạo nghịch cướp ngôi [chỉ Hồ Quý Ly].

            Bốn người Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa và Trần Đình Thâm được Lê Quý Đôn xếp  vào bậc thứ hai.

            Triều Trần tồn tại 175 năm, danh Nho, danh thần xuất hiện vô số, có thể kể đến các bậc danh Nho tiêu biểu như Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn ... Tuy thế, khi biên soạn Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật, mục nhà Nho có đức nghiệp gồm 29 người của các triều Trần, Lê sơ, Mạc và Lê trung hưng, sử gia Phan Huy Chú chỉ chọn duy nhất Chu An, đại diện cho nho lâm thời Trần.

            Chu An (Văn Trinh công hay Chu Văn Trinh) sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8, triều vua Trần Nhân Tông (1292). Đây là thời kỳ quốc gia Đại Việt vừa trải qua cuộc binh lửa tàn khốc với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông chấm dứt chưa được bao lâu. Vương triều Trần bước vào giai đoạn tái thiết và phát triển đất nước.

            Niên hiệu Khai Thái (1324-1329), dưới thời Trần Minh Tông (trị vì từ năm 1315 đến 1329, làm Thượng hoàng đến năm 1357), do có "học vấn về chính đạo", Chu Văn An được vời ra giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, dạy Thái tử học (tức Thái tử Vượng, Trần Hiến Tông sau này). Đạo đức ông làm khuôn mẫu, đương thời ai cũng tôn trọng.

            Tầm ảnh hưởng và tác động sâu sắc của Chu Văn An đối với đương thời được thể hiện trên hai phương diện: đạo đức, khí tiết thanh cao và cốt cách của người thầy.

            Ở phương diện thứ nhất, hầu như nguồn tài liệu chính sử, văn bia đều ca ngợi phẩm chất, đạo đức của Chu Văn An hết mực. Năm 1370, Quốc Tử giám Tư nghiệp Chu Văn An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn miếu. Sử thần triều Lê đã dành cho Chu Văn An những lời ca tụng rất xác đáng: Ông,"tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi ... Ông là người nghiêm nghị, lẫm liệt ... Minh Tông cho mời vào làm Quốc Tử giám Tư nghiệp dạy Thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Ông khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sứ. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê ... Dụ Tông đem chính sự trao cho ông nhưng ông từ chối không nhận... ".

            Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn luận: "Người hiền được dùng ở đời thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý của mình. Cho nên, vua sáng tôi hiền gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó.

            Những nhà nho nước Việt ta dùng được ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua, nêu đức tốt cho dân được nhờ. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng suốt, cho nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua anh minh nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đàng hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ.... Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước ta mà thờ vào Văn miếu"[7]. Lời tán tụng của Ngô Sĩ Liên đã cho phong thái, cốt cách, đạo cao đức trọng của Chu Văn An có tầm ảnh hưởng và tác động to lớn đối với đương thời và hậu thế sâu sắc lan tỏa đến chừng nào.

            Bàn thêm về việc tòng tự ở Văn Miếu, chính sử cho biết: năm 1380, Nhập nội hành khiển Tả tham tri chính sự Kinh lược sứ Lạng Giang Đỗ Tử Bình chết được Trần Nghệ Tông cho được tòng tự ở Văn miếu, Sử gia Phan Phu Tiên đã có lời bàn: "Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt, thì cũng tạm được. Đến như Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó".

            Về nhân vật Đỗ Tử Bình, sử thần Ngô Sĩ Liên phán xét: "Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tâu bày lừa dối, để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp có tai họa Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì?".

            Bàn về Trương Hán Siêu, Ngô Sĩ Liên cũng có ý kiến: "Trương Hán Siêu là ông quan văn học, vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả, so với Văn Trinh thì có gì đáng kể, huống hồ những kẻ còn kém hai ông này (tức Trương Hán Siêu và Trần Nguyên Đán). Như vậy, trong ba nhân vật thời Trần được tòng tự ở Văn Miếu, duy có Chu Văn An là người được đánh giá toàn vẹn, tuyệt đối nhất.

            Sau khi từ quan, Chu Văn An về ẩn cư trên núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn và mất ở đây. Nơi ẩn cư của Chu văn An sau này được Tham tụng Bùi Huy Bích cho khắc tám chữ lớn trên bia "Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ". Năm 1841, Án sát sứ Hải Dương là Nguyễn Bảo (tức Nguyễn Thu, hậu duệ Tham tụng Nguyễn Hiệu, Nguyễn Hoàn) theo dấu cũ lập từ đường phụng thờ. Nội dung văn bia 朱 文 貞 先 生 隱 居 處 Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ (dựng khắc năm Thiệu Trị thứ nhất - 1841) có đoạn viết về Chu Văn An như sau: "... đến khi Nghệ Tông khôi phục lại nước, thì ông vui mừng chống gậy lên yết kiến, nhưng không chịu nhận chức tước, bái lạy mà xin về núi. Vua ban cho lễ rất hậu tiễn về, không bao lâu thì mất tại nhà.

            Vua Nghệ Tông lệnh cho quan làm bài dụ tế, ban hiệu là Văn Trinh, lại ban hiệu là Khang Tiết tiên sinh, cho phụ thờ ở hữu vu trong Văn miếu. Từ triều Trần đến triều Lê cho đến quốc triều Minh Mệnh thứ 18, năm Đinh Dậu (1837), Lễ bộ đã nghị định điển lệ thờ tự mà chuẩn định cho tòng tự ở tả vu trong Văn miếu, làm ngôi vị nhà Nho đầu tiên"[8].

            Tại di tích thờ tự Chu Văn An ở Phượng Sơn, Chí Linh còn đôi câu đối ca ngợi nhân cách, đạo đức Chu Văn An:

出 處 一 身 渾 是 道

風 清 千 古 獨 其 尊

Phiên âm:

Xuất xử nhất thân hồn thị đạo

Phong thanh thiên cổ độc kỳ tôn

Dịch:

Xuất xử một đời luôn giữ đạo

Thanh cao muôn thuở độc tôn vinh

            Phương diện thứ hai: thể hiện phong thái, cốt cách bậc phu tử.

            Trước khi trở thành Tư nghiệp Quốc Tử giám, Chu Văn An dạy học trò ở trường Huỳnh Cung. Là bậc cao sĩ "cứng cỏi, sửa mình trong sạch, giữ vững tiết tháo, không cầu danh lợi", khi chưa xuất thân (ra làm quan), Chu Văn An "chỉ ở nhà đọc sách ... cái học tinh túy chân chính". Ông dựng nhà học trên gò lớn giữa đầm để dạy học trò, xa gần nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò của Chu Văn An sau này nhiều người thành đạt, trở thành "lương đống" của triều đình nhà Trần như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh.

            Phan Huy Chú có nhận xét về tư cách làm Thầy của Chu Văn An: "Về tư cách làm thầy của tiên sinh rất long trọng mà cứng cỏi, nghiêm trang, ngay như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm chức Hành khiển, cũng đều giữ lễ học trò; khi tới thăm hỏi còn lạy dưới giường, được cùng thầy nói chuyện thì rất vui mừng. Nếu họ có điều gì không phải, ông trách mắng liền, có khi thét quở không cho vào. Nghiêm nghị đáng sợ là như thế. Đức vọng của ông rất cao, các bậc công khanh đều hâm mộ[9]".

            Chỉ biết các nguồn thư tịch chép học trò của Chu Văn An khi còn ở trường Huỳnh Cung "xa gần nghe tiếng, đến học rất đông" hay khi ông dạy ở Quốc Tử giám...thì học trò hẳn sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng là bao nhiêu, thành tựu thế nào, thực không có số liệu minh chứng. Nhưng, chắc chắn chúng ta biết được ba nhân vật quan trọng từng được thầy Chu Văn An rèn cặp, đó là Thái tử Vượng, danh thần Lê Quát và Phạm Sư Mạnh.

            Theo Toàn thư, Thái tử Vượng là con thứ của vua Trần Minh Tông, mẹ đẻ là Minh Từ Hoàng thái hậu Lê thị. Ngày 2 tháng Bảy năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khai Thái thứ 6 (1329), Đông cung Thái tử Vượng được sách phong là Hoàng Thái tử. Ngày 15 tháng ấy, Hoàng Thái tử Vượng (10 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu năm thứ nhất, ở ngôi 13 năm, hưởng thọ 23 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tông. Sử thần chép về Trần Hiến Tông như sau: "Vua tư trời tinh anh, sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng hưởng thọ không dài, chưa thấy làm được gì, đáng tiếc thay". Trong thời gian Trần Hiến Tông ở ngôi, trên thực tế, mọi công việc trọng đại của quốc gia vẫn do Trần Minh Tông quyết định (theo chế độ Thái thượng hoàng), do đó Trần Hiến Tông chưa thấy để lại công tích gì đáng kể.

            Lê Quát và Phạm Sư Mạnh là hai học trò của Chu Văn An và cũng là hai bậc lương đống của triều đình, hai danh Nho nổi tiếng của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIV. Sự nghiệp chính trị, văn hóa, ngoại giao của Lê Quát và Phạm Sư Mạnh được ghi chép nhiều trong các thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục v.v... Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú xếp hai người này trong 10 người phò tá có công lao tài đức thời Trần, đó là: Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại và Trần Nguyên Đán.

            Phan Huy Chú chép về Lê Quát: "Ông ... học trò Chu An. Lúc bé du học ở Kinh sư, thi đỗ được Minh Tông biết đến... Ông do văn học mà được làm quan cùng nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta khen "Lê, Phạm..."; và chép về Phạm Sư Mạnh: "Ông ...học trò Chu An. Đời Minh Tông, do Thái học sinh được cất lên làm ở sảnh viện và được sang sứ Nguyên... Ông có tài khí hùng hồn hơn người, nguồn thơ lai láng; đi khắp muôn dặm non sông, đến đâu cũng ngâm đề khắc để lại, lời đều hào hùng, thanh thoát đáng đọc..."[10]. Sở dĩ hai vị danh thần Lê Quát, Phạm Sư Mạnh có được sự nghiệp vẻ vang, thanh danh lưu truyền hậu thế không phải đã được tiếp thu tư tưởng và đạo học của thầy Chu đó sao.

            Một trong những danh nhân tiêu biểu trong hàng tôn thất quý tộc nhà Trần là Trần Nguyên Đán cũng hết sức tôn trọng và kính phục bậc phu tử đứng đầu rừng nho Đại Việt - Chu Văn An. Trong bài thơ mừng Chu Văn An khi đang đảm nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, Băng Hồ tiên sinh viết:

Làm quay trở lại làn sóng của bề học, để lại phong tục thuần hậu

Nhà Quốc học được ông làm bậc thầy như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu

Học rộng khắp cả kinh sử là công lao lớn của ông

Kính người già chuộng dạo nho là chính hóa mới của nhà vua

Ngày mà người mang bít tất vải, dép cỏ về với nhà Hán

Lúc mà bậc tuổi già tắm cái đạo đức của Khổng tử ở sông Nghi

Nghiêu Thuấn chỉ là rủ áo để trị thiên hạ

Khó bắt được Sào Phủ, Hứa Do làm bề tôi cho mình...

            Sử gia Ngô Sĩ Liên sau này cho rằng: "Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông"; còn Lê Quý Đôn sau khi xếp ông là bậc thứ nhất trong hàng cao sĩ thời Trần cũng đưa ra kết luận: "Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử thời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhà mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế! Người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được"[11] .

            Không phải thời Trần, mà các triều đại sau vẫn coi Chu Văn An là người 振 奮 儒 風 Chấn phấn Nho phong (Chỉnh đốn làm rạng rỡ Nho phong). Tầm ảnh hưởng của đạo học mà Chu Văn An là người "truyền đạo thống" vẫn còn lan tỏa đến sau này và được phản ánh qua nội dung đôi câu đối:

學 理 發 揮 萬 古 芳 名 留 史 監

義 聲 振 動 千 秋 正 氣 仰 山 高

Phiên âm:

Học lý phát huy vạn cổ phương danh lưu sử giám

Nghĩa thanh chấn động thiên thu chính khí ngưỡng sơn cao

Dịch:

Học lý phát huy muôn thuở danh thơm nêu sử sách

Nghĩa thanh vang dội, ngàn thu chính khí ngưỡng non cao.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học)

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”


[1] Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb VHTT, Hà Nội 2007, tr. 192.

[2] Lỗ Trọng Liên, người nước Tề, sinh vào thời Chiến quốc có nhiều mưu mô kỳ lạ mà không ra làm quan, du lịch sang nước Triệu, gặp lúc ấy nhà Tần vây nước Triệu, người nước Tần muốn suy tôn nhà Tần lên ngôi Hoàng đế để xin bãi binh. Trọng Liên nói: "nếu nhà Tần nghiễm nhiên xưng đế, thì Trọng Liên này chỉ có việc ra biển Đông để chết mà thôi". Nhà Tần nge được câu ấy, phải rút quân về. Sau Bình Nguyên quân đem ngàn vàng mừng Trọng Liên để làm lễ thọ. Trọng Liên không nhận mà nói: "người sĩ phu sở dĩ được quý trọng là ở chỗ cứu giúp người ta trong lúc hoạn nạn mà không nhận của tạ ơn, nếu nhận lấy, thì tôi không khác gì trò buôn bán".

[3] Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd tr. 298.

[4] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, tr. 107.

[5] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 162.

[6] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 185.

[7] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 152-153.

[8] Ban Quản lý Côn Sơn - Kiếp Bạc: Di sản Hán Nôm Côn Sơn - Kiếp Bạc- Phượng Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.595.

[9] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 435.

[10] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 272.

[11] Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 299.


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám