vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

HỘI CHỮ XUÂN TẠI VĂN MIẾU –QUỐC TỬ GIÁM


Hội chữ Xuân bước đầu đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu năm, một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, khích lệ người dân Thủ đô đến với một sự kiện văn hóa được tổ chức văn minh, lành mạnh.

Hội chữ Xuân được tổ chức tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày càng  thu hút sự tham gia của các Câu lạc bộ thư pháp, người viết thư pháp Hán – Nôm, Quốc ngữ và nhận được sự  đồng thuận, cổ vũ của đông đảo công luận, công chúng. Việc tổ chức Hội chữ Xuân bước đầu đã thể hiện là phương thức hiệu quả góp phần phát huy giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đặc biệt là khu vực hồ Văn hiện nay.

 Như chúng ta đã biết, từ hơn chục năm nay, cứ đến Tết Nguyên đán, tại khu vực vỉa hè bên ngoài tường rào khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số cá nhân căng mái bạt trên vỉa hè để viết thư pháp và cho chữ, người dân gọi là “Phố ông đồ”. Việc “Phố ông đồ” ra đời phần nào đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng Thủ đô yêu chữ, mến chữ Hán Nôm, Quốc ngữ. Tuy nhiên, do việc cho và xin chữ tại khu vực này là tự phát, không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước nên đã xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự, chen lấn để xin, mua chữ...

 Trước thực trạng đó, năm 2013, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã kết hợp với một số nhóm Thư pháp ở Hà Nội tổ chức đưa “phố ông đồ” vào Hồ Văn. Tuy nhiên, chủ trương này gặp phải phản đối của nhiều người viết chữ ở vỉa hè Văn Miếu vì các lý do: không gian tổ chức viết chữ không phù hợp, khó khăn cho việc đi lại, không đủ chỗ cho người viết chữ…và sau đó, hàng loạt người viết chữ lại quay lại vỉa hè phố Văn Miếu.

Từ kinh nghiệm công tác tổ chức  năm 2013, đến năm 2014, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các Câu lạc bộ Thư pháp tại Hà Nội (đơn vị đại diện là UNESCO Thư pháp Việt Nam) tổ chức tuyên truyền thuyết phục các “ông đồ” tham gia sát hạch vào viết chữ tại Hồ Văn. Kế hoạch “sơ khai” tổ chức Hội chữ Xuân đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền và bước đầu qui tụ được trên 100 “ông đồ” (cả Hán – Nôm và Quốc ngữ) vào dựng lều ngồi viết trong khuôn viên Hồ Văn.

 

(Ảnh: 2. Biểu diển nghệ thuật trong Hội chữ Xuân 2018)

 

Trong năm 2015, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chọn làm Năm trật tự, văn minh đô thị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội quyết tâm tổ chức tốt hoạt động cho chữ, xin chữ và có những đổi mới mạnh mẽ. Nếu như năm 2014, chỉ có duy nhất hình thức viết chữ  thì bắt đầu từ năm 2015, Ban Tổ chức đưa thêm hoạt động triển lãm thư pháp ngoài trời, mỗi năm có một chủ đề khác nhau. Năm 2015 là chủ đề Khuyến học, năm 2016 mang chủ đề Uống nước, nhớ nguồn, năm 2017, chủ đề Tôn sư trọng đạo và năm 2018 là chủ đề Hiền tài. Triển lãm trưng bày tác phẩm thư pháp trên nhiều chất liệu, dưới nhiều loại hình khác nhau từ tranh chữ, thủy mặc đến các hoành phi, câu đối được treo trong gian thờ nhà thờ tổ, thờ họ người Việt để nhân dân có điều kiện thưởng thức, tham khảo, hiểu biết thêm về nghệ thuật thư pháp và cách thức trình bày đúng về gian thờ, cách treo hoành phi, câu đối đúng quy cách.

(Ảnh: Tác phẩm thư pháp chữ Quốc ngữ đạt giải nhất 

trong triển lãm Thư pháp "Hiền Tài" Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018)

 

Đối với hoạt động viết thư pháp, Ban Tổ chức thực hiện thẩm định trình độ các đối tượng đăng ký viết chữ. Trong đó, đối tượng đăng ký là những người có khả năng viết chữ Hán Nôm, Quốc ngữ được thẩm định trình độ từ các câu lạc bộ thư pháp đang hoạt động tại Hà Nội và các cá nhân từ các tỉnh thành khác. Chất lượng khảo tuyển cũng từng bước được nâng cao, nếu năm 2014-2015 chỉ dừng ở tiêu chí viết đúng, thì đến năm 2016, 2017, 2018 đã tiệm cận tiêu chí viết đẹp và có nội dung đổi mới phù hợp với thực tế. Từ năm 2017, bắt đầu đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, một số làng nghề vào khu vực hồ Văn. Đến năm 2018, hội chữ Xuân thực sự có những đổi mới mạnh mẽ khi có sự tham gia của Công ty TNHH Longlink Việt Nam, một đơn vị chuyên về phát triển điểm đến. Hồ Văn được tái hiện không gian giáo dục, thi cử xưa với những hình ảnh của Tết Việt truyền thống.

(ảnh: 3. Hoạt động bổ trợ của Làng nghề trong Hội chữ)

Như vậy, với hình thức hoạt động là cho chữ đầu Xuân và Triển lãm thư pháp về các chủ đề tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc, Hội chữ Xuân bước đầu đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu năm, một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, khích lệ người dân Thủ đô đến với một sự kiện văn hóa được tổ chức văn minh, lành mạnh. Đồng thời, xóa bỏ được tình trạng viết chữ sai, chặt chém khách, nhếch nhác, lộn xộn, đóng đinh, dán giấy lên tường di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng như ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa  hè, lối đi của khách bộ hành và gây mất an ninh trật tự trên vỉa hè phố Văn Miếu và hơn cả là khung cảnh Hồ Văn hiu hắt trước kia, nay đã bừng sáng với rực rỡ sắc màu và rộn rã tiếng cười của du khách đi xin chữ, du xuân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn Hội chữ Xuân  có thể nhận thấy một số vấn đề đang đặt ra:

Một là, trong số những người viết chữ, tỷ lệ những người trẻ còn chưa nhiều. Người viết chữ tại Hồ Văn chủ yếu là cao tuổi. Đây là điều khác biệt với “phố ông đồ” ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà người viết ở phố thường trẻ tuổi nhưng theo đuổi bộ môn thư pháp nhiều năm. Tâm lý khách đến Hội chữ vẫn thích những ông đồ lớn tuổi, mặc áo dài, khăn đóng, tóc bạc râu dài cho chữ. Điều này dẫn đến những người viết chữ trẻ  không hào hứng tham gia sân chơi này, làm giảm cơ hội trải nghiệm và tương tác với người xin chữ, cũng hạn chế đến việc quảng bá giá trị của nghệ thuật thư pháp.

Hai là, việc giao tiếp giữa người xin chữ và người cho chữ. Có thể nói, rất nhiều người đến xin chữ tại Hồ Văn không biết chữ Hán - Nôm, chỉ là những người mến chữ, thích chữ, cho nên việc giải nghĩa của người viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua đó, họ có thể cảm ứng được sâu sắc giá trị của chữ mình có được cả trên phương diện nội dung và hình thức, thay vì đi xin chữ theo kiểu phong trào, mê tín. Sự giao cảm giữa hai chủ thể này  góp phần để hướng tới mục tiêu tôn vinh cái đẹp của Hội chữ, giáo dục di sản nói chung và di sản Hán Nôm nói riêng, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ của công chúng đến với Hội chữ. Mỗi bức thư pháp là một tác phẩm nghệ thuật, chỉ đẹp khi có sự thành tâm, hướng thiện của cả người viết và người nhận và bàn tay tài hoa của người viết – người nghệ sĩ. Vấn đề đặt ra ở đây là công tác đào tạo cơ bản và chuyên sâu về Hán Nôm, văn hóa, văn tự học, về thư pháp và nghệ thuật viết chữ cho những người viết chữ để họ là chủ thể tạo nên sức sống và hấp dẫn của Hội chữ.

Ba là, thư pháp Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng nhưng số lượng người viết còn ít, tiêu chuẩn của thư pháp Quốc ngữ cũng như công tác tổ chức các câu lạc bộ cần phải được tiếp tục được hoàn thiện.

Do vậy, để Hội chữ Xuân trở thành một sự kiện thường niên, một sinh hoạt văn hóa của Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu năm mới, cần tập trung vào một số điểm sau:

Trước hết là đưa Hội chữ Xuân tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành sự kiện do Thành phố tổ chức hàng năm. Điều đó có nghĩa là việc đưa hoạt động viết chữ từ chỗ tự phát ở vỉa hè phố Văn Miếu vào trong Hồ Văn không phải chỉ để khắc phục tình trạng lộn xộn, mất trật tự ở khu vực này theo kiểu xử lý tình huống của các nhà quản lý mà quan trọng hơn là tạo ra một không gian văn hóa, một sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng Thủ đô trong những ngày đầu năm mới. Một chủ thể có vai trò quan trọng, là những người truyền tải những giá trị văn hóa  đến với công chúng qua các bức thư pháp, đó chính là người viết thư pháp. Để tránh hiện tượng viết chữ sai, chữ xấu ít nhiều còn tồn tại thì việc lựa chọn người viết chữ phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, công tâm và có những tiêu chí rõ ràng. Đó phải là những người được đào tạo cơ bản và chuyên sâu về Hán Nôm, văn hóa, văn tự học; về thư pháp và nghệ thuật viết chữ. Đồng thời, phải là người có trí tuệ và đạo đức trong sáng, có tinh thần thái độ ứng xử văn hóa, văn minh và được Hội đồng chuyên môn do Ban Tổ chức thành lập chấp thuận. Mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu Hán Nôm; các câu lạc bộ thư pháp cần chặt chẽ hơn trong các hoạt động chia sẻ thông tin, tư vấn chuyên môn, tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và giới thiệu, lựa chọn những người viết chữ đủ điều kiện.

              Chủ đề của Hội chữ hàng năm cần có sự đổi mới và thông điệp của chủ đề này phải được thấm sâu vào trong mọi hoạt động của Hội chữ. Đó phải là những giá trị tốt đẹp của dân tộc nhưng phải gắn với những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện tại.

          Hội chữ Xuân được tổ chức tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là hoạt động còn mới mẻ, việc tổng kết sự kiện này, nhất là gắn với phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp trong văn hóa đương đại đòi hỏi có thời gian nhiều năm nữa. Bài viết bước đầu nêu lên ý kiến dưới góc độ đơn vị tổ chức Hội chữ, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện./.       

TS Lê Xuân Kiêu


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám