vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV với chủ đề "Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước" được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám


Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV với chủ đề "Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước" sẽ diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 11/02/2017 (Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu).

 

 

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV sẽ có những hoạt động trên hai sân thơ: sân Đại Bái và sân Thái Học của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn một số hoạt động khác như: Triển lãm ảnh của Bảo tàng Văn học Việt Nam; triển lãm “Thơ gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương; nhà trưng bày của các CLB thơ “Con đường thi nhân”; Không gian thơ thiếu nhi…

Với tinh thần kỉ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, theo Ban Tổ chức, Ngày Thơ năm nay sẽ có một số điểm mới, khác biệt như: sân thơ Trẻ sẽ không được tổ chức riêng biệt, mà sẽ được đồng tổ chức tại sân Đại Bái với ý tưởng: các nhà thơ nhiều thế hệ cùng hiện diện trên một sân thơ (Thế hệ những nhà thơ đóng góp lớn cho nền thi ca cách mạng Việt Nam; thế hệ 2, thế hệ thơ đổi mới hay còn gọi là thế hệ thơ hậu chiến và thơ trẻ đương đại).

 

 

Ngày Thơ Việt Nam cũng là ngày Văn học Việt Nam nên tại sân thơ chính sẽ diễn ra các cuộc giao lưu của các nhóm tác giả tiêu biểu của các thế hệ nhà thơ thành danh. Đặc biệt, hai tác giả đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016: nhà văn Chu Lai và nhà văn Lê Minh Khuê sẽ giao lưu với khán giả về văn học đề tài chiến tranh và hậu chiến.

Sân Thái Học là không gian dành cho sự tôn vinh các nhà thơ trẻ có thành tựu, hội viên mới kết nạp trong năm 2016 của Hội Nhà văn Việt Nam và các tác giả đoạt giải cao nhất của cuộc thi thơ vừa qua do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.

Triển lãm “Thơ gốm” của Lê Thiết Cương sẽ trưng bày 40 tác phẩm gốm do họa sĩ minh họa những câu thơ do chính anh chọn của 40 nhà thơ Việt Nam như Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Hoàng Trần Cương, Thuận Hữu …

Con đường thi nhân” được tổ chức lần đầu tiên trong Ngày Thơ, tại đây những câu thơ hay nhất của các thi nhân Việt Nam sẽ đến với bạn đọc bằng nhiều hình thức mới.

Trong không gian thơ thiếu nhi, mặc dù các em không xuất hiện trên sân khấu như mọi năm nhưng các tác phẩm do thiếu nhi sáng tác sẽ được trưng bày.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội sẽ kết thúc với Lễ thả thơ. Năm nay, 50 câu thơ được chọn để thả lên bầu trời sẽ là những câu thơ đi dọc dài tháng năm của đất nước với các chủ đề về người mẹ, người lính, chiến tranh, hòa bình, tình yêu và hạnh phúc.

Trải qua 14 năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã trở thành một “Lễ hội Thơ”, thu hút đông đảo nhân dân khắp nơi trên mọi miền đất nước tham gia. "Lễ hội thơ" năm nay hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng yêu thơ những phút giây đầy ý nghĩa./.

Minh Anh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám