vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

ĐÓNG GÓP CỦA CHU VĂN AN ĐỐI VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM


* Mấy lời thưa trước: Cám ơn Ban chủ trì hội thảo “Chu Văn An - con người và sự nghiệp của trung tâm Văn hóa khoa học Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đã tín nhiệm giao cho tôi viết một báo cáo khoa học có tính tổng quát nội dụng của cuộc hội thảo này. Tôi chưa thể làm được vì thời gian có hạn vả lại hiểu của mình còn nông cạn, hơn nữa 20 bản báo cáo của các quý vị tại hội thảo có thể đã nói lên sự đóng góp của ông đối với văn hóa Việt Nam một cách toàn diện và sâu sắc rồi.

Vì vậy, tôi xin làm một việc có liên quan đến nội dung vấn đề mà Ban chủ trì hội thảo giao cho là công bố lại bài viết về Chu Văn An cách đây 24 năm (từ năm 1994) nhan đề “Chu Văn An, một nhân cách nhà giáo Việt Nam” với ý nghĩa “lịch sử” (mốc thời gian của nó) và bàn luận thêm về đóng góp của Chu Văn An đối với văn hóa Việt Nam từ góc nhìn của hôm nay.

1. Điểm mốc thời gian tôn vinh Chu Văn An trong thời kỳ Đổi mới đất nước

- Năm 1994 là năm bản lề của việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương bốn, khóa VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, về giáo dục - đào tạo và về xây dựng văn hóa Việt Nam (khái niệm nền văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời từ đó). Trong việc nhận thức đúng đắn vai trò của giáo dục - đào tạo và của văn hóa trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng con người Việt Nam hiện đại, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhìn nhận lại vai trò của các nhà giáo, tôn vinh các nhà giáo. Cũng trong bối cảnh đó, người đứng đầu Ban Khoa giáo Trung ương của Đảng Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ - Bí thư Trung ương Đảng có ý định tổ chức kỷ niệm 625 năm ngày mất của Nhà giáo - danh nhân Chu Văn An  vào năm 1995, nên yêu cầu tôi viết bài về Chu Văn An có tên “Chu Văn An - một nhân cách nhà giáo Việt Nam” đăng số 11 năm 1994 trên tạp chí Công tác khoa giáo của Ban Khoa giáo Trung ương (nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11). Sau đó bài viết được tuyển chọn dựa vào cuốn sách “Những gương mặt trí thức Việt Nam” tập 1 (năm 1995).

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là trong giai đoạn Đổi mới toàn diện của đất nước từ năm 1994 - 1995 chúng ta bắt đầu một giai đoạn đánh giá và tôn vinh Nhà giáo Chu Văn An đúng với công lao và tầm ảnh hưởng của ông đối với nền giáo dục, văn hóa nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung (quá khứ và hiện tại). Với sự mở đầu ấy, tiếp theo từ năm 1996 tỉnh Hải dương đã trùng tu, tôn tạo di tích Phượng Hoàng và sau đó là Hà Nội cũng trùng tu, tôn tạo các di tích tại quê hương ông, hoạt động kỷ niệm, tôn vinh ông một cách long trọng.

Tiếp tục, hôm nay Trung tâm Văn Hóa khoa học Văn miếu - Quốc tử giám lại tôn vinh Chu Văn An trên một bình diện mới, không chỉ tôn vinh ông với tư cách một nhà giáo tiêu biểu mà với tư cách là một “Danh nhân văn hóa”, không chỉ tôn vinh ông trong không gian văn hóa Việt Nam mà hướng tới tôn vinh ông trong không gian văn hóa nhân loại (đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông). Một chặng đường gần 1/4 thế kỷ tên tuổi và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Chu Văn An được tôn vinh rộng khắp cả nước và lên một đỉnh cao mới, có rất nhiều ý nghĩa, có rất nhiều điều cần suy ngẫm. Nhiều cơ quan trung ương và địa phương đã đóng góp vào công việc tôn vinh danh nhân Chu Văn An, trong đó Thủ đô Hà Nội và Ban quản lý khu di tích Văn miếu - Quốc tử giám có đóng góp to lớn và mới mẻ.

Đối với tôi cũng được vinh dự hay nói theo dân gian là được “hưởng lộc thánh” vì được là người viết về “bậc thánh cao nhất” với tư cách là một bài nghiên cứu “độc lập” mở đầu cho giai đoạn tôn vinh danh nhân Chu Văn An (1995-2020). Bởi như TS. Nguyễn Doãn Tuân là người đã góp phần quan trọng biên soạn cuốn sách “Chu Văn An người thầy của muôn đời” (xuất bản 2014) cho biết “từ đầu thế kỷ XX trở lại đây đã có hàng trăm công trình lớn nhỏ của các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn học luận bình, tôn vinh về danh Nho, nhà giáo, nhà thơ Chu Văn An”. Song chỉ bình luận, tôn vinh Ông nhân khi viết về các vấn đề lịch sử, văn chương, giáo dục mà thôi, chưa ai viết riêng về Ông với tư cách danh nhân văn hóa nói chung. Bài viết của chúng tôi năm 1994 đã đề cấp đến hai nội dung cơ bản: 1 - Chu Văn An là một nhà sư phạm kiệt xuất; 2 - Chu Văn An là một trí thức luôn luôn quan tâm đến thời cuộc của đất nước (chúng tôi xin công bố lại ở nội dung thứ 2 của bài viết này, được xem là bước đầu bàn về những đóng góp của Chu Văn An).

2. Hai nội dung chính của bài viết về Chu Văn An năm 1994

1) Chu Văn An là một nhà sư phạm kiệt xuất của dân tộc

Trong Lịch triều hiến chương loại chí (QXI) Phan Huy Chú viết về Chu Văn An: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt, trước sau chỉ có một ông, các ông khác không thể nào so sánh được”. Thật vậy, Chu Văn An khác hẳn những nhà nho xưa, ông suốt đời là một nhà giáo, thì đỗ không ra làm quan, mà về nhà dạy học. Khi ông ra làm quan, suốt 30 năm cũng chỉ là một ông quan dạy học, không nhận một chức vụ nào khác. Lúc treo ấn từ quan vẫn lấy việc dạy học làm vui, ông gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cao quý “dạy chữ”, “dạy người”.

Trước tác của ông làm ra để phục vụ cho việc dạy học, Tứ thư thuyết ước được coi như giáo khoa giảng dạy Nho giáo của người Việt Nam biên soạn. Tinh thần sáng tạo, tinh thần dân tộc của ông trong việc biên soạn Tứ thư thuyết ước được người đời sau ca ngơi: “Cùng lý chính tâm” là tâm học, khác xa Tống Nho “cách vật trí tri” và còn đi trước cả Dương Vương Minh đời Minh (Trung Quốc).

Ông đào tạo được nhiều danh sỹ cho đất nước, trong số học trò của ông có cả Thái tử Vượng, sau này là một ông vua được các sử thần đời sau đánh giá là tốt. Theo huyền tích ở quê hương ông thì, ngay đến con trai Vua Thủy Tề cũng đã theo học nơi ông và đã hy sinh thân mình làm mưa cho dân làng vì thầy dạy học yều. Điều đó nói lên tài năng giáo dục của ông không chỉ tạo ra những vua tốt, tôi hiền mà còn cảm hóa được cả quỷ thần làm lợi cho dân, cho nước.

Trần Nguyên Đán, đại thần nhà Trần, một người học trò tinh thần của ông đã ca ngơi: “Bể học xoay chiều sóng, phong tục trở nên thuần hậu. Trường lớn trong nước được thầy dạy như Bắc Đẩu, Thái Sơn”.

Ông đúng là sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn, chèo lái biển học để đổi mới phong tục, xoay chiều thời thế, lấy giáo dục biến suy thành thịnh - đó là chí hướng, đó là tâm huyết nhà giáo chân chính Chu Văn An.

2) Chu Văn An là một trí thức luôn luôn quan tâm đến thời cuộc đất nước

Xưa nay, có người tưởng rằng ông quay lưng lại thời cuộc trước sự suy vi của chế độ phong kiến đương thời. Song, ông không phải là người như vậy. Ông nhập thế với ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng, chỉ có điều bằng con đường riêng của mình - con đường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông thường xuyên theo dõi chính sự, nên khi các học trò Lê Quát, Phạm Sự Mạnh (các quan lớn trong triều) về thăm thầy, đều nhận được những lời khuyên bảo, khiến họ lấy làm vui sướng.

Ông chọn việc dạy học, không làm quan tỏ ý coi thường danh lợi, nhưng khi triều đình yêu cầu ông ra Quốc tử giám dạy học cho Thái tử, ông đã chấp nhận. Bởi ông nghĩ rằng dạy dỗ một ông vua tương lai nên đấng minh quân sẽ đem lại lợi ích cho chính sự đất nước. Chính vì vậy, Trần Hiến Tông - đấng quân vương (học trò của ông) khi ở ngôi “không có việc làm lầm lỗi”, bởi “có bầy tôi hiền ( trong đó có ông - LQĐ) giúp việc chính sự, trên dưới đều cùng nhau sửa sang (Lịch triều hiến chương - Phan Huy Chú)

Việc ông dâng Thất trảm sớ vào thời Trần Dụ Tông, thể hiện ý thức trách nhiệm cao cả của một nhà Nho trước thời cuộc. Chúng ta chưa bàn đến khí tiết của ông, việc làm đó trước hết nói lên cuộc đấu tranh quyết liệt chống bọn quần thần gian tham vì sự nghiệp nhà Trần, vì cuộc sống của nhân dân, của kẻ sỹ quân tử “Coi việc thờ vua tất phải nói hết ý mình”, như sử gia Ngô Sỹ Liên đã nói về ông.

Nếu việc ông từ bỏ cuộc sống “ẩn sỹ” để vào Kinh dạy Thái tử có ảnh hưởng lớn lao đến văn hóa, giáo dục đương thời như thế nào, thì việc ông dâng Thất trảm sớ và từ quan về ở ẩn lại có tiếng vang về chính trị to lớn như thế ấy, đối với thời cuộc lúc đó. Với thái độ cứng cỏi, dám nói thẳng, khuyên can vua, lên án kẻ gian thần đã thể hiện “tấc lòng chưa thể như tro nguội” trước vận mệnh của dân, của nước ở trong ông. Lê Quí Đôn nhà bác học thời Lê, khi chép về Chu Văn An trong Kiến văn tiểu lục, không cần nói tới sự nghiệp giáo dục của ông, chỉ đánh giá việc dâng sớ đòi chém gian thần và cáo quan về ở ẩn đã khẳng định “đây là bậc thánh nhân cao nhất” (Q.5 KVTL).

Nhân cách nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam từ đời này qua đời khác, từ thời Trần khi ông còn sống qua Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Nguyễn và cho đến hôm nay. Thời đại nào cũng nhìn thầy ở ông một người trí thức không màng danh lợi, một nhà giáo tài năng và đức độ, kiên quyết chống lại khuynh hướng xu thời, nhưng luôn luôn gắn bó với thời cuộc, với sự nghiệp văn hóa và giáo dục của dân tộc. Ở đâu và lúc nào ông cũng muốn đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Đúng như sắc phong thời Lê trung hưng, niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1784) đã nêu cao công đức của ông: “đứng đầu các nhà Nho, làm rường cột cho đạo ấy. Ghét ác, trừ gian, lẫm liệt một thời chính khí, giúp dân giữ nước, bàng bạc muôn thuở anh linh”.

Nhân cách cao đẹp của Chu Văn An thật đáng tự hào biết bao đối với những người trí thức và những nhà giáo Việt Nam.

3. Những suy ngẫm mới về đóng góp của Chu Văn An đối với văn hóa Việt Nam

Thứ nhất, Chu Văn An “người thầy của muôn đời” dưới góc nhìn văn hóa học thì Chu Văn An không chỉ là “nhà giáo” trong lĩnh vực giáo dục mà Ông còn là một trí thức, một quan chức (dù chỉ là một ông quan dạy học), một nhà thơ và tựu trung là một nhà văn hóa tiêu biểu. Có người nói nằng, ngày nay chúng ta không còn duy trì nền giáo dục Nho học (chữ Hán và tư tưởng Nho giáo) thì sao có thể gọi Chu Văn An là “Người thầy của muôn đời” được? Nói như vậy là thiển cận, bởi Chu Văn An là một nhân cách văn hóa tiêu biểu, ông không chỉ dạy chữ và tri thức mà còn dạy làm người (tư tưởng, đạo đức, phẩm tiết) dạy con người biết ứng xử với đời, với chính mình và với thiên nhiên. Vả lại, nếu chúng ta biết chữ Hán, hiểu tư tưởng Nho giáo một cách chuẩn xác, sẽ góp phần quan trọng làm nên nhân cách của con người nói chung và những nhà giáo, nhà tri thức và nhà cầm quyền tốt đẹp hơn. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh một nhà văn hóa kiệt xuất của thời hiện đại đã nói rõ, đã hành xử theo tinh thần tích cực, nhân văn của Nho giáo. Do vậy, Chu Văn An không chỉ là người thầy của muôn đời theo nghĩa hẹp mà là người thầy của muôn đời theo nghĩa rộng: Tấm gương của muôn đời, muôn người, muôn thế hệ người Việt Nam sau này.

Thứ hai, những tư tưởng của Chu Văn An về giáo dục - đào tạo, về đạo đức và văn hóa càng có ý nghĩa trong thời kỳ Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông đã đề cao vai trò của tri thức, của giáo dục, đạo tạo và của văn hóa trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chế độ và xã hội. Điều này đã được các báo cáo hội thảo hôm nay đề cập một cách sâu sắc. Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh rằng, tư tưởng của ông vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta khẳng định vai trò của giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay và chúng ta đang thực hiện công việc đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay. Đồng thời, chúng ta cũng đang quan tâm đến việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam theo quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, tạo ra “nguồn lực nội sinh quan trọng nhất” cho sự phát triển đất nước.

Thứ ba, con người, sự nghiệp và thời đại của Chu Văn An cho chúng ta một bài học sâu sắc rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần, là mẫu số chung của mọi thời đại. Thịnh suy của mọi thời đại đều gắn với các nền tảng tinh thần ấy, thời đại Chu Văn An sống và thực hành văn hóa là khoảng giao nhau giữa thời Thịnh Trần và Mạt Trần. Thời Thịnh Trần các nhà cầm quyền biết đề cao văn hóa, tri thức và người trí thức nên “võ công oanh liệt, văn trị vẻ vang”. Thời Mạt Trần thì các nhà cầm quyền coi thường văn hóa, tri thức và người trí thức, cho nên cơ nghiệp suy vong từ đấy. Khi trí thức không được trọng dụng thì “không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa”, hay khi trí thức bị nghi ngờ “không tin bậc hiền nhân thì nước trống rỗng như không có người vậy” - đó là một lẽ (Đại Việt sử ký toàn thư). Lễ thứ hai thời Thịnh Trần các nhà cầm quyền đều có tri thức, có văn hóa hay “trở nên có tri thức” thì đất nước phát triển, hưng thịnh. Còn thời Mạt Trần thì các nhà cầm quyền lại “ương gán, cố chấp” đã dẫn đến sự suy tàn của vương triều. Đó là bài học để đời trong văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng cho chúng ta.

Thứ tư, toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An để lại cho chúng ta một nhân cách lớn của một nhà trí thức lớn. Các nhà sử học, các nhà văn hóa đề cao nhân cách của ông suốt mấy trăm năm qua, không chỉ bởi trí tuệ, đạo đức mà còn ở trách nhiệm của ông trước dân tộc, thời đại và đặc biệt là phẩm tiết cao cả của người sỹ quân tử. Với tinh thần trách nhiệm “đất nước lâm nguy, sỹ phu hữu trách”, ông đã làm hết sức mình, đã hy sinh quyền lợi cá nhân và cao hơn nữa là có thể cả tính mạng của mình với việc dâng “Thất trảm sở”. Với phẩm tiết cao cả không sợ cường quyền, không ham danh lợi luôn luôn đề cao lý tưởng của kẻ sỹ, mà sau này nhà bác học Lê Quý Đôn đã ca ngợi “Chu Văn An dâng sớ chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục. Đây là bậc thánh, cao nhất” (Kiến văn tiểu lục). Ông cũng để lại bài học về việc giải quyết xung đột giữa giới cầm quyền với giới trí thức (chân chính) cũng thường diễn ra trong lịch sử. Giới trí thức chỉ khẳng định được mình khi vượt qua khát vọng quyền lực, không chịu khuất phục cường quyền, không cầu cạnh lợi ích vật chất “thì Thiên tử cũng không bắt làm tôi được” (Ngô Sỹ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư).

Thứ năm, Chu Văn An để lại cho đời một lối sống cá nhân mang sức mạnh nội tâm, một tâm hồn phong phú và mạnh mẽ gắn bó với con người, xã hội, thiên nhiên và với chính mình. Chúng tôi không bàn luận thêm về phẩm chất cao đẹp (chân-thiện-mỹ) của lối sống đó mà muốn nhấn mạnh giá trị nhân sinh của nó đối với chúng ta trong thời đại hiện nay. Thời đại hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng, tràn lan của khoa học, công nghệ ( đặc biệt là công nghệ thông tin); của điều kiện vật chất; của xu thế toàn cầu hóa... ngoài những yếu tố tích cực không thể phủ nhận của xu thế trên, thì nó cũng đem đến những yếu tố tiêu cực phản nhân văn cho lối sống cá nhân của con người. Đó là lối sống lệ thuộc quá mức vào điệu kiện vật chất, kỹ thuật; chạy theo danh lợi; đắm chìm trong sản phẩm công nghệ số...làm cho mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên ngày càng khô cứng, xa cách. Tâm hồn con người trở nên trống rỗng, vô cảm khi con người cô đơn trong sự hỗn độn giữa đám đông, giữa những người thân của mình, con người bị dồn nén bởi thông tin...Sức mạnh tinh thần phong phú giúp Chu Văn An đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, tự tại, tự tôn trong bối cảnh xã hội (khi ông sống) gợi mở cho chúng ta một định hướng nhân sinh tích tực của mỗi con người hiện nay, dù mặt trái của đời sống xã hội giữa hai thời đại (của ông và chúng ta) không giống nhau, nhưng sức ép và sự tàn phá của chúng lại giống nhau.

Trên đây là một vài suy ngẫm về những đóng góp của Chu Văn An đối với văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, sau bài viết về ông hai mươi bốn năm trước.

Tác giả  PGS.TS. Lê Quý Đức

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám