vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tế Tửu Quốc Tử Giám Phùng Khắc Khoan (1528-1613)


Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử, là người làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tương truyền, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Là người nổi tiếng có văn tài, kiêm thông cả thuật số nhưng ông không đi thi và ra làm quan cho nhà Mạc. Dưới triều vua Lê Trung Tông (1548-1556), Phùng Khắc Khoan theo Lê Bá Lỵ phù Lê diệt Mạc. Năm 29 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hương ở Yên Định - Thanh Hóa (1557), từng giữ chức Ký lục chuyên trông coi quân dân bốn vệ, tham dự việc cơ mật tại Ngự dinh của Thái sư Trịnh Kiểm. Ông làm quan đến chức Cấp sự trung Binh khoa, Cấp sự trung bộ Lễ, sau vì trái ý vua bị giáng chức ra Thành Nam (Nghệ An) rồi lại được triệu hồi. Năm Canh Thìn (1580), đời Lê Thế Tông, Phùng Khắc Khoan dự thi Hội, đỗ Hoàng Giáp, được bổ làm Đô cấp sự trung, năm 1585, được thăng Hữu Thị lang Bộ Công, rồi Thừa chính sứ Thanh Hóa. Năm 1597, ông được cử làm Chánh sứ sang triều Minh (Trung Quốc), khi về nước được thăng Tả Thị lang Bộ Lại, tước Mai Lĩnh Hầu, đến năm 1600 giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm Tế Tửu Quốc Tử Giám, trước khi về trí sĩ, chuyển sang làm Thượng thư Bộ Hộ, tước Mai Quận Công.

 

 

Phùng Khắc Khoan là một nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc. Mặc dù sống trong giai đoạn nội bộ đất nước đầy biến động nhưng ông luôn thể hiện rõ bản lĩnh của một trí thức đất Việt, ứng đối tài ba, bảo vệ quân mệnh quốc uy, khiến vua tôi Trung Quốc phải nể phục. Năm 1596, sau khi nhà Mạc bị Trịnh Tùng dồn ép ra khỏi Thăng Long, chạy lên biên giới Cao Bằng. Viện cớ nhà Mạc tố cáo: Vua Lê là vua rởm, nhà Minh sai sứ đem điệp văn sang ta đòi con cháu nhà Lê đến ở ải quan khám xét. Năm 1597, phái bộ tra xét của nhà Minh đến nơi, Vua Lê dẫn chủ tướng tới trình diện. Đoàn sứ Đại Việt do Phùng Khắc Khoan dẫn đầu được cử sang Yên Kinh (Bắc Kinh) cống nạp và xin sắc phong. Đến nơi, nhân gặp ngày sinh nhật của Vua Minh, Phùng Khắc Khoan đã làm một lúc 30 bài thơ chúc mừng. Xem xong, Vua Minh đặt bút phê khen rằng: “Hiền tài không chỗ nào là không có… Rất đáng khen” (Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú).

Bấy giờ, theo lệ cũ, nhà Mạc phải cống tượng người vàng cúi đầu song khi đến Yên Kinh, Phùng Khắc Khoan lại mang theo cống vật là tượng người vàng đầu không cúi mà nhìn thẳng. Thấy vậy, quan quân nhà Minh rất khó chịu, gây khó dễ không cho ông vào chầu. Phùng Khắc Khoan liền cãi rằng: “Nhà Mạc cướp ngôi danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may mắn. Nay lại bắt nhà Lê theo lễ nhà Mạc thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được” (Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú). Đuối lý, nhà Minh buộc phải chấp nhận, Phùng Khắc Khoan ung dung bước vào chầu, lĩnh ấn sắc đem về nước. Từ đó trở về sau nước ta không phải cống nạp tượng người vàng cúi đầu nữa. Cũng trong lần đi sứ này, dù vào tuổi “xưa nay hiếm”, ông còn làm thơ, ứng đối với sứ thần Triều Tiên, khiến họ nể phục tài năng, giúp khai quang mối quan hệ hữu hảo Việt - Triều.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Phùng Khắc Khoan còn để lại nhiều tác phẩm văn học phản ánh hoài bão, khí phách và nỗi trăn trở của của một trí thức yêu nước. Hơn 500 bài thơ,văn còn lại bằng chữ Hán và chữ Nôm của ông đều mang tâm sự của một con người muốn nhập cuộc để có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an, vực lại kỷ cương, đạo đức xã hội đã một thời sa sút. Thơ chữ Hán của ông chuẩn mực, khuôn thước, thơ chữ Nôm giản dị, giàu phong vị, là một dấu ấn trong sự phát triển của thơ Nôm Việt Nam.

Phùng Khắc Khoan không chỉ là một tác gia nổi tiếng mà còn là một người Thầy đầy trách nhiệm với dân với nước. Khi làm Tế Tửu Quốc Tử Giám, ông làm việc hết lòng với vai trò chủ tế và chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước. Khi về trí sĩ tại làng quê, ông cho mở “Hoằng đạo thư đường” dạy dân chữ nghĩa, cùng bạn bè thưởng thức, đàm đạo văn chương, mở mang dân trí và cho dựng Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều ở chùa Thày, tô điểm cảnh quan làng quê thêm đẹp. Tương truyền, ông còn dạy dân làng cách làm cày bừa, đào mương, khơi ngòi, dẫn nước vào đồng, chống úng, cứu hạn, trồng trọt và dạy họ cả nghề dệt lụa, đan lưới để đời sồng ngày thêm no ấm.

Phùng Khắc là một nhà giáo dục, văn hóa, ngoại giao tài hoa ở thế kỷ XVI. Đương thời ông được Trịnh Tùng rất kính trọng, gọi là “Phùng Tiên sinh”, còn nhân dân, để tưởng nhớ công lao, trí tuệ của ông đã suy tôn ông là “Trạng Bùng”. Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan mất tại quê nhà ngày 24 tháng 9 năm Quý Sửu (1613), thọ 86 tuổi, được phong Thái phó và lập miếu thờ tại quê hương./.

Hoàng Thị Tuyết Hương

Cán bộ phòng Nghiệp vụ Thuyết minh, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám