vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM CHU VĂN AN VỚI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG


Chu Văn An (Chu An) tự Linh Triệt, sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt huyện Long Đàm, nay là xã Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà giáo dục, người thầy đạo cao đức trọng, thanh liêm, cương trực, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục Nho học Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo nhân tài, khẳng định vị thế của việc giáo dục Nho học trong việc quản lý, phát triển đất nước. Cuộc đời làm thầy của ông đã trở thành tấm gương mẫu mực cho lớp lớp thế hệ noi theo. Chu Văn An cho đến nay vẫn được coi là một trong những vị Tư nghiệp đầu tiên của Quốc Tử Giám, người thầy đứng đầu Quốc Tử Giám, có nhiều dấu ấn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền quốc học nước nhà ở thế kỷ XIV.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long được khởi lập cuối thế kỷ XI gồm có Văn Miếu được thành lập vào năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử và các Tiên hiền Nho học và là nơi cho Hoàng Thái tử học. Sáu năm sau (1076), một trường học của nhà nước - Quốc Tử Giám chính thức được thành lập dành cho văn thần và con em Hoàng gia học tập[1].

Dưới triều Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa thực sự được triều đình chú trọng, quan tâm. Việc giáo dục còn nhiều sơ sài. Điểm lại trong chính sử, chỉ thấy ghi vài sự kiện, chẳng hạn như năm 1075, triều đình cho thi chọn Minh kinh bác học và Nho học tam trường[2]. Khoa thi này có thể coi là khoa thi đầu tiên về Nho học. Tiếp sau đó, năm 1077, triều Lý cho thi chọn lại viên bằng thi viết chữ, tính toán và hình luật[3]. Tuy nhiên, khoa thì này chưa thể coi lại thi Nho học được. Việc coi trọng và sử dụng Nho giáo chưa được Triều đình để tâm cho dù đến hơn 80 năm sau, vào năm Bính Tý, niên hiệu Đại Định 17 (1156), khi Lý Anh Tông cho dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, và sau đó 10 năm (1165) cho tổ chức thi cử. Sau những sự kiện đó cho đến cuối thời Lý, có vài sự kiện được sử ghi lại như năm 1171, cho làm lại miếu thờ Văn Tuyên vương, năm 1195, cho thi tam giáo (Nho, Phật, Lão)[4]. Rõ ràng thời Lý, Nho học mới bắt đầu được triều đình để ý, nhưng chưa thực sự coi trọng. Văn Miếu-Quốc Tử Giám được lập tôn vinh ông tổ của Nho học và dành cho con em quý tộc vào học, xong, chưa thấy kết quả mà chính sử ghi lại. Nho học, Nho giáo và những người theo Nho học chưa thực sự có chỗ đứng trong xã hội triều Lý.

Trần Thái Tông lên thay nhà Lý năm 1225, khởi lập vương triều Trần đã quan tâm đến việc đào tạo, kén chọn, bồi dưỡng nhân tài. Năm 1232, Trần Thái Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên của triều mình để chọn Thái học sinh, đồng thời phân hạng người đỗ thành 3 giáp[5]. Sau đó 4 năm, vào năm 1236, Trần Thái Tông không chỉ chọn Nho sinh đã đỗ vào trọng dụng, lập thành lệ mà còn cử một vị quan đặc trách công việc ở Quốc Tử Giám. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mùa thu tháng 8, chọn các nho sinh đã đỗ vào chầu, sau làm định lệ. Mùa đông, tháng 10, cho Phạm ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc Tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học[6]. Một lọat các sự kiện được Trần Thái Tông cho thực hiện như năm 1243, vua Trần Thái Tông cho trùng tu Quốc Tử Giám; năm 1246 cho định lệ thi Tiến sĩ 7 năm một khoa thi, đồng thời cho tổ chức thi. Ngay sau đó, năm 1247, tổ chức thi và lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ Thái học sinh xuất thân theo thứ bậc khác nhau; năm 1253, xuống chiếu  lập Quốc học viện, và tháng 9 năm đó xuống chiếu mời Nho sĩ trong nước đến Quốc Tử Viện giảng Tứ thư, Lục kinh.

Một loạt sự kiện dồn dập được tiến hành đã chứng tỏ vị thế của Nho học và Nho giáo trong xã hội. Đặc biệt hơn, Triều đình đã nhận rõ vai trò của người thầy với Quốc Tử Giám nên năm 1272, Vua Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám[7]. Như vậy, đến lúc này, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã thực sự trở thành trung tâm giáo dục cấp cao nhất của Đại Việt, bởi nó không chỉ là nơi học tập của các nhà quản lý, lãnh đạo đất nước tương lai, mà việc giáo dục đã có quy củ: Trường đã được nâng cấp, và người trực tiệp phụ trách công việc của trường là một Thượng thư. Những người đến học sẽ tham gia các kỳ thi để lấy học vị Tiến sĩ, học vị cao nhất lúc bấy giờ. Việc học tập ở đây cũng là học ở mức cao nhất: những kinh điển của Nho gia: Tứ thư và Ngũ kinh.

Để khuyến khích người học, triều đình liên tục mở các khoa thi kén kẻ sĩ, biểu dương người đỗ đạt, như phân hạng cao thấp trong khoa thi, ban cho danh hiệu cao quý: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.... ban mũ áo, ngựa quý, vinh quy bái tổ... bổ nhiệm trọng trách. Sách Đại Việt sử ký ghi lại sự kiện đặc biệt đối với người học vào năm 1304 như sau: “Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hoả dũng thủ, sung làm nội thư gia; Thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện; sung làm nhị tư; Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp, tất cả 44 người đỗ Thái học sinh. Dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày. Còn 330 người khác thì ở lại học tập”. Tất cả những thành ý đó của Triều đình cũng nhằm lựa chọn được nhiều nhân tài nho học, mà để có được thành quả, thì việc chăm lo đến việc đào tạo, giáo dục là điều đương nhiên. Triều đình không thể quên được vai trò của người thầy, nhất là người thầy ở Quốc Tử Giám đối với nền giáo dục nước nhà, do đó đương nhiên phải lựa những người xuất sắc làm thầy tại Quốc Tử Giám.

Chu Văn An sinh ra tại vùng quê ngoại thành Thăng Long, nổi tiếng tinh thông đạo học. Chưa có tư liệu nào khẳng định ông có tham gia và đỗ kỳ thi nào không nhưng tư cách và trình độ của ông được các thế hệ ghi nhận và truyền lại trong nhiều tư liệu. Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư rất trân trọng khi ghi về ông: “An (người Thanh Đàm ), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào.”[8]Cũng chính Ngô Sĩ Liên cho ta biết, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời ra dạy học cho Hoàng Thái tử Trần Vượng, và giữ cương vị làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Trong bối cảnh khi triều đình đang cần những người tài năng, quan tâm đến giáo dục Nho học như đã nói ở trên, việc tìm được một người có phẩm chất và trí tuệ như Chu Văn An quả là may mắn. Và việc Trần Minh Tông mời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, đồng thời dạy học cho Thái tử đã chứng tỏ uy tín, tài năng của ông trong giới học thuật, trong xã hội. Cho đến nay chưa có thông tin nào cho biết chính xác vào năm nào ông được mời ra giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, nhưng có hai điều chúng ta có thể khẳng định được,  đó là: thứ nhất, đây là chức quan đứng đầu, quản lý việc dạy học tại Quốc Tử Giám, và thứ 2, ông là vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên mà sử sách chính thức ghi nhận.

Xét trong chính sử, kể từ khi Quốc Tử Giám được chính thức nhắc đến vào năm 1076, cho đến năm 1272 mới thấy nhắc đến việc tuyển chọn chức quan Tư nghiệp cho Quốc Tử Giám, và người được chọn vào chức này phải là người“tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh sách”[9], nhưng chưa thấy tài liệu nào nói, trong đợt tuyển chọn này vua Trần Thánh Tông chọn được ai để bổ nhiệm, và cũng không có tài liệu nào nói rõ vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám thì làm gì. Để làm rõ hơn, ta thử tìm hiểu xem chức quan Tư nghiệp là gì và có trách nhiệm gì đối với Quốc Tử Giám. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, “Tư nghiệp, theo nghĩa đen, đó là người phụ trách, quản lý một chuyên môn hay một nghiệp vụ nào đó, ở đây là phụ trách việc giáo dục đào tạo nhân tài[10], và vì vậy, chức quan Tư nghiệp là chức quan đứng đầu phụ trách việc giáo dục, dạy học ở Quốc Tử Giám. Đỗ Văn Ninh trong Từ điển chức quan Việt Nam cho biết, ở Trung Quốc, chức Quốc Tử Giám tư nghiệp được đặt vào năm Đại Nghiệp 3 thời nhà Tùy (607), làm phó cho Tế tửu, nắm việc giáo pháp, chính lệnh của các nhà học và Quốc Tử Giám[11]. Ở đây chúng ta thấy, dù làm phó cho Tể tửu (chức trưởng quan của Quốc Tử Giám), nhưng là người phụ trách việc giáo pháp, chính lệnh của Quốc Tử Giám, tức phụ trách việc tổ chức và chỉ đạo việc giảng dạy tại trường, nói cách khác là người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn của nhà trường. Như vậy, năm 1272, vua Trần Thánh Tông cho chọn Tư nghiệp Quốc Tử Giám là chọn người phụ trách, người đứng đầu về chuyên môn của trường – quản lý việc giáo dục, đào tạo của Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, kể từ đó trở đi cho đến thời Trần Minh Tông, chưa thấy sử sách nào chép tên cụ thể người được chọn vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long. Trường hợp  Chu Văn An là người đầu tiên được chính sử ghi chép. Vậy Chu Văn An được bổ Tư nghiệp Quốc Tử Giám từ khi nào, và đến khi nào? Như trên đã đề cập, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy Thái tử . Thái tử Trần Vượng sinh năm 1319, được vua Trần Minh Tông sắc phong Đông cung Thái tử vào năm 1328[12]. Như vậy, có thể thấy rằng, Chu Văn An được vua Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy thái tử vào khoảng cuối năm 1328. Năm sau, 1329, Thái tử Vượng lên ngôi, đó là vua Trần  Hiến Tông. Chu Văn An làm quan trải hết đời vua Hiến Tông (1329-1341), sang đời Trần Dụ Tông (1341-1369). Trong thời gian nay, sử có cho biết ông dâng Thất trảm sớ nhưng không được chấp nhận, nên lui về ở ẩn. Như vậy, thời gian ông dâng sớ cũng là lúc ông thôi chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, và đó là lúc triều đình rối ren, quyền thần lộng hành. Căn cứ lời chua của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư về Trần Dụ Tông thì, thời kỳ rối ren là từ giai đoạn niên hiệu Đại Trị (1358-1369). Như vậy, có thể đoán vào khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ 14, Chu Văn An thấy chính sự không được Dụ Tông quan tâm, đã cố khuyên can, xong không đạt được mong muốn, ông đã từ quan. Như vậy, thời gian Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám là từ 1328 đến khoảng 1360, trên 30 năm.

Với hơn 30 năm giữ chức Tư nghiệp, chức quan phụ trách việc giáo dục, đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám, Chu Văn An đã làm những công việc cụ thể gì để đóng góp vào việc phát triển nền giáo dục Nho học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chưa tìm được những tư liệu cụ thể ghi chép về những công việc mà Chu Văn An đã làm tại trường, nhưng chắc chắn rằng, ngoài việc dạy học cho Thái tử, Chu Văn An với cương vị là người chịu trách nhiệm chính về giáo dục tại Quốc Tử Giám phải lập kế hoạch và chuẩn bị nội dung học tập, rèn luyện cho cho con em đại thần tại trường. Có lẽ những bài giảng, nội dung giáo dục của Chu Văn An trong suốt thời gian làm Tư nghiệp được đúc kết từ những bài giảng khi ông còn là một thày giáo tại trường ở Huỳnh Cung, và sau đó, tập hợp thành một tác phẩm mà các thế hệ sau vẫn còn nhắc đến là Tứ thư thuyết ước (rất tiếc, chúng ta hiện vẫn chưa tìm được thấy tác phẩm này). Trong suốt thời gian Chu Văn An đảm nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (từ khoảng năm 1328 đến 1460), triều đình không tổ chức một khoa đại khoa nào (hoặc giả, có tổ chức mà tư liệu lịch sử không ghi lại), ngoại trừ vào năm 1345, nhưng các tư liệu đăng khoa lục không ghi được tên người nào thi đỗ, cũng như trong số họ có ai có những cống hiến đáng kể cho nền học vấn nước nhà. Phải chăng, triều đình không có nhu cầu về nhân sự, hay có tổ chức thi Thái học sinh theo lệ, nhưng không người xuất sắc? Điều này cần có thêm tư liệu minh chứng, song, một giả thuyết là, lúc đó, Quốc Tử Giám đã đào tạo được đủ nhân sự cho triều đình, những người học trong trường được rèn luyện trưởng thành đảm đương được trong trách nên không cần phải mở rộng tuyển chọn trong dân chúng. Nếu thế, thì công của Chu Văn An quả không nhỏ, và phải là như vậy, thì các thế hệ sau mới đánh giá rất cao đóng góp của Chu Văn An với nền giáo dục, coi ông là “ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”[13]. Thêm một lý giải cho điều này là, ngay từ khi còn là thày giáo ở quê, khi mới ở tuổi ngòai 30, “tam thập nhi lập”, Chu Văn An đã đào tạo được nhiều học trò thành danh như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát[14]... vậy, thời kỳ sung sức của ông tại trường, trí tuệ chín muồi, chắc chắn sẽ nhiều học trò là con em đại thần, hoàng thân được đào tạo trở thành trụ cột triều đình, mà vì nhiều lý do, sử không chép cụ thể.

Chu Văn An thôi Tư nghiệp Quốc Tử Giám ở tuổi ngoài 60, người ta coi là về trí sĩ (nhiều sử liệu ghi như vậy[15]), nhưng thực ra là ông từ quan, thậm chí sau đó ông còn được mời ra để giữ chức quan khác (không phải Tư nghiệp Quốc Tử Giám) nhưng ông đều từ chối. Nhưng cuộc đời của ông, sinh ra đã có duyên với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nên, khi ông mất vào năm 1370, ông được vua cho thờ ở đây. Đây hẳn là quyết định lớn của triều đình lúc này, và là một ân điển đặc biệt với Chu Văn An. Ông là người Việt Nam đầu tiên được tòng tự tại Văn Miếu. Sau Chu Văn An, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình là hai người Việt Nam nữa được nhà Trần cho tòng tự tại Văn Miếu vào năm 1372 và 1380. Việc đưa Chu Văn An, rồi Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình vào thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long đánh dấu một bước tiến quan trọng của nhà nước Đại Việt trong việc tiếp nhận Nho giáo, Nho học, được coi là dấu ấn Việt hóa Nho giáo, nho học nhà Trần trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, trong ba người được đưa vào thờ tự tại Văn Miếu dưới thời Trần thì chỉ có Chu Văn An là người được các thế hệ hậu học đánh giá là xứng đáng hơn cả[16]. Và có lẽ vì thế mà Chu Văn An được thờ tự tại Văn Miếu trong suốt 440 năm đến tận đầu thế kỷ XIX[17], và luôn được các thế hệ người Việt coi là ông tổ của các nhà Nho Việt Nam. Ở đây cũng cần nói thêm rằng, việc thôi không thờ Chu Văn An ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long là do thời Nguyễn, kinh đô được đặt ở Huế, Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long chỉ còn là Văn Miếu của Bắc Thành, nên phải theo quy định thờ tự ở Văn Miếu Huế, mà Văn Miếu Huế không thờ Chu Văn An, nên Văn Miếu Thăng Long cũng không thờ Chu Văn An. Sau này, vào năm 1837, Vua Minh Mệnh lại cho thờ Chu Văn An ở Huế, có lẽ ở Văn Miếu Thăng Long tiếp tục thờ Chu Văn An, chỉ đứt quãng khoảng 28 năm[18].

Trải qua biến thiên của lịch sử, ngay cả khi Nho giáo, Nho học không còn được sử dụng nữa kể từ khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1919, Chu Văn An vẫn luôn là biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam, luôn được tôn vinh và kính trọng ở Văn Miếu. Đặc biệt, để tôn vinh sự học, tôn vinh người thầy tiêu biểu của Việt Nam, nhà nước đã cho đúc tượng thày vào năm 2003 và tôn vinh thầy tại tầng 1 nhà hậu đường khu Thái học – khu Quốc Tử Giám xưa, nơi thày dạy học. Tượng thầy giáo Chu Văn An được đúc bằng đồng ở tư thế ngồi, hai chân buông cân đối phía trước, tay phải cầm quạt, tay trái duỗi tự nhiên đặt lên gối. Chu Văn An đội mũ phẳng ôm sát đầu, phía trước có gắn viên ngọc, khuôn mặt cân đối, vầng trán cao, hai mắt sáng ánh lên vẻ cương trực. Tượng ngồi trên ghế, hai đầu tay ghế hình rồng, đằng sau có ván tựa lưng, phía bên trên hình nan quạt xòe ra như vầng hào quang tỏa sáng. Tượng được đặt trên đế hình vuông, tượng cao 2,3m, nặng 3 tấn tính cả bệ. Bên trên tượng có bức hoành phi lớn với 3 chữ đại tự: 傳 經 正 學 (Truyền kinh chính học - Nho häc ®­îc thÓ hiÖn qua truyÒn thô kinh ®iÓn), nêu rõ công lao to lớn của Chu Văn An với nền giáo dục Việt Nam: là người truyền thụ đạo học chân chính cho dân tộc. Hai bên tượng là đôi câu đối cũng nêu rõ con người và sự nghiệp của Chu Văn An

博 於 史 窮 於 經 聖 道 淵 源 開 後 學

行 以 禮 藏 以 義 賢 人 風 節 绍 先 儒

Bác ư sử, cùng ư kinh, thánh đạo uyên nguyên khai hậu học

Hành dĩ lễ, tàng dĩ nghĩa, hiền nhân phong tiết thiệu Tiên nho

Tạm dịch: Hiểu rộng về sử , thấu triệt về kinh (ông đem) uyên nguyên đạo thánh mở mang cho hậu học

Ra làm quan theo lễ, lui về ở ẩn theo nghĩa (ông có) phong độ  tiết tháo người hiền nối tiếp các bậc Tiên Nho.

Tượng Chu Văn An tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày nay được đặt chính giữa nhà Hậu đường, nơi trưng bày về nền giáo dục, khoa cử xưa, nơi hàng ngày có hàng ngàn người đến dâng hương tưởng niệm, tìm hiểu về nền giáo dục của cha ông xưa. Đó là một sự tôn kính, tôn vinh của thế hệ nay, cũng là để cho mọi người thấy và ngưỡng mộ tấm gương của thầy. Tin rằng, các thế hệ người Việt Nam, cũng như du khách muôn nơi luôn kính trọng, tôn vinh người thầy đạo cao đức trọng, từ đó tin tưởng phấn đấu, học tập theo gương các bậc tiền bối để thành công, thành nhân. Chu Văn An – người thày giáo tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam, người gắn bó, xây dựng Văn Miếu- Quốc Tử Giám và là người được Văn Miếu-Quốc Tử Giám tôn vinh, thờ phụng như là biểu tượng cho nền giáo dục Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Văn Tú 

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”


[1] Về sự kiện thành lập Văn Miếu, sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, trang 275 (NXB Khoa học Xã hội,1993) viết: “Năm Cảnh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2.....Mùa thu, tháng Tám làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”. Còn về việc lập Quốc Tử Giám, sách Đại Việt sử ký toàn thư (đã dẫn, tập I, trang 280) cho biết: Năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076)... Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám”. Như vậy có thể thấy, sự xuất hiện chính thức Văn Miếu và Quốc Tử Giám trong chính sử vào các năm 1070 và 1076.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, tập I, trang 277.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, tập I, trang 280.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Sách đã dẫn, tập I, trang 330.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 12 viết: “ Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 (1232)...Tháng 2, thi Thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 15.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 39.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 151

[9] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 37 viết: “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”.

[10] Đặng Kim Ngọc (2015), “Tế tửu Quốc Tử Giám và Tư nghiệp Quốc Tử Giám trong lịch sử Việt Nam”, Hội thảo khoa học: Tế tửu, tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám (2015).

[11] Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thanh Niên (2002) tr. 558.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 117.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 151.

[14] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, tr. 268, NXB Giáo dục, 2007. 

[15] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB KHXH, tập 1, trang 647.

[16] Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên đã bình: “Nhà Trần cho 3 người là Chu Văn An, Hán Siêu, Tử Bình được thờ phụ ở Văn Miếu. Chu Văn An là hơn rồi, Hán Siêu không làm nổi chức vụ, Tử Bình dù chém cũng chưa hết tội, mà lại chen vào nơi cung đình lễ nhạc, thì còn sai lầm gì hơn. Nay ở giải vũ phía tây vẫn thờ Chu Văn Trinh, còn Hán Siêu, Tử Bình đã bỏ đi, không biết từ thời đại nào. Cũng thấy được lẽ trời lòng người công bằng, há nhất thời có thể nâng lên đè xuống được sao” (Sđ d, NXB KHXH, tr. 470)

[17] Đỗ Hương Thảo (2009), “ Dấu ấn Việt hóa trong Nho giáo thời Trần”, Kỷ yếu hội thảo: Văn Miếu-Quốc Tử Giám và hệ thống di tích Nho học Việt Nam, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám, H. 2009.

[18] Đỗ Hương Thảo (2009), “ Dấu ấn Việt hóa trong Nho giáo thời Trần”, đã dân.


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám