( Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo dâng hương trước hương án Thầy Chu Văn An)
1. Chu Văn An được cho là sinh năm 1292 và chắc chắn là mất năm 1370.Có nghĩa là “Người cùng thời đại”, “sàn sàn/cùng lứa” với những Trương Hán Siêu (1274-1354), Đoàn Nhữ Hài (1280-1335), Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370).
Nhưng Cụ không có vinh dự như Trương Hán Siêu (1274-1354) vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo, được vị Đại vương này tiến cử, nhập triều. Cũng không có duyên may như Đoàn Nhữ Hài, chợt gặp và giúp được vua Trần Anh Tông thoát khỏi sự trừng phạt của Thượng hoàng Trần Nhân Tông (do say rượu), nhân đấy trở thành cận thần của vua Trần. Càng không giống như Nguyễn Trung Ngạn, sớm (16 tuổi) nhờ khoa cử đỗ đạt (Hoàng giáp) mà thành quan đại thần triều đình.
Các bậc danh sĩ này, đều chủ yếu thành quan chức lớn của triều đình nhà Trần, ở đời trị vì của vua Trần Anh Tông (1276-1293-1320) - một bậc quân trưởng, tuy đã ở vào cuối thời thịnh Trần - đầu thời suy Trần, nhưng “chưa đến nỗi nào”.
Còn Cụ Chu Văn An - lọt mắt xanh vua Trần Minh Tông (1300-1314-1357), được nhà vua giao việc kèm cặp, dạy dỗ các hoàng tử Trần Vượng, Trần Hạo, sau trở thành các vua Trần Hiến Tông (1319-1329-1341), Trần Dụ Tông (1336-1341-1369) thì đấy đều đã ở vào thời suy Trần rồi.
Vậy là “yếu tố (nhân tố) thời đại” tức “hoàn cảnh lịch sử” đã không giúp được gì tích cực cho/ vào việc hình thành rồi thành hình nhân cách con người và sự nghiệp cuộc đời đều rất lớn lao, đặc sắc - của Chu Văn An cả!
2. Cho dù thân phụ của Chu Văn An mang tên là Chu Thiện hay Chu Hưng (không có chữ “Văn” làm tên đệm, do đó, “Chu Văn An” - cái tên được quen gọi của Cụ, do bắt nguồn từ tước hiệu là “Văn Trinh” mà thành ra có chữ “Văn” làm tên đệm - chứ tên của Cụ, chỉ là hai chữ “Chu An” (giống cấu trúc tên cha mà thôi) thì đây cũng đều và chắc chắn là người phương Bắc, đến từ phương Bắc. Và là người phương Bắc, đến từ phương Bắc không phải với nhân thân và vị thế là quan chức, quý tộc hay đại gia mà chỉ là một thường dân (thậm chí như lời kể dân gian ở địa phương nói chỉ là một “chú khách bán thuốc ế”) thôi.
Trường hợp thân phụ Chu Văn An tìm đến làng Quang Liệt (Thanh Liệt), “tự do hôn nhân” mà cưới mẹ của Chu Văn An (là bà Lê Thị Chiêm) làm vợ - không có hôn lễ cầu kỳ, sang trọng nào - cũng vừa cho thấy rõ “thành phần gia đình” của cả cha mẹ, lẫn chính Chu Văn An - đều là bình dân (thứ dân).
Do đó mà yếu tố (nhân tố) và vấn đề dòng dõi, ở đây, cũng không giúp được gì cho thành sự hiển quý và danh giá của cuộc đời cùng sự nghiệp của cụ Chu Văn An cả!
3. Chẳng những thế, với tư cách (tư thế) là con của một gia đình, tuy mẹ là dân gốc làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt), nhưng cha lại là “khách trú” (chú khách), cho nên, Chu Văn An mới chỉ được quê hương coi là “dân ngụ cư, đời thứ hai” thôi. Vậy là, theo lệ làng xưa phải “sau 3 đời ngụ cư mới được thành dân chính cư” - Chu Văn An trong quan hệ với quê hương Thanh Liệt vẫn chỉ là dân ngoại tịch!
Từ lâu rồi, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra: có điều gì đó - “cấn cái” - giữa Chu Văn An lúc đương thời và làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt) của mình, cho dù ngày nay sau 7 thế kỷ, quê hương đã vô cùng trọng vọng Cụ. Chẳng hạn như: mở ngôi trường danh giá đầu tiên trong sự nghiệp làm thầy của mình, Cụ đã không (hoặc không được) chọn lấy đất làng mà lại phải “ra rìa” làng, đến thôn bấy giờ là Huỳnh Cung chỗ giáp ranh giữa hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp! Chẳng hạn nữa, lúc dâng “Thất trảm sớ” mà không được nghe, Cụ đã từ quan “treo mũ ở của Huyền Vũ, ra đi (ra về)”, nhưng không phải là đi về quê hương bản quán như thời thường, mà lại đi ra tận Kiệt Đặc - Phượng Hoàng (Chí Linh - Hải Dương) để sống hết đời ở đấy!
Vậy là, làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt), và mở rộng ra là cả huyện Long Đàm (Thanh Đàm, Thanh Trì), dù muôn vàn tươi tốt, và rất giàu truyền thống đa loại hình nhưng thực tế cũng không giúp được gì nhiều - vào lúc đương thời - cho và trong việc Chu Văn An thành vĩ nhân cả!
4. Vậy thì, nhân vật lịch sử kỳ vĩ Chu Văn An, thực sự đã nhờ vào đâu, dựa vào yếu tố (nhân tố) nào của lịch sử, xã hội và văn hóa lúc đương thời, để trở thành nhân vật lịch sử kiệt xuất ở thế kỷ XIV, và của cả dân tộc qua mọi thời đại?
Rõ ràng, Cụ là người đã/ biết/ và/ chỉdựa vào chính mình!
Chu Văn An là mẫu mực của một người với/ và có/ hàng loạt chữ “Tự”: Tự học - Tự tu - Tự lập - Tự tại…
Chúng ta không tìm ra được một thông tin - tư liệu nào về người thầy và trường lớp mà cụ xưa đã theo học. Trái lại, bằng vào việc Cụ chính là tác giả bộ “Tứ thư thuyết ước”, ta thấy rằng Cụ đã tự chọn bốn cuốn “Đại học” “Trung dung”, “Luận ngữ” và “Mạnh tử” - kinh điển của Nho giáo và Nho học - để làm căn cứ mà tự học, và trong khi tự học và hành, thì đã làm “bút ký tóm tắt” (“thuyết ước”) và rồi biến công trình đó thành “sách giáo khoa” cho việc dạy học của mình luôn!
- Tự tu để trở thành không chỉ là một người thầy, mà còn và chính là một bậc “Vạn thế sư biểu”, Cụ đã hoàn toàn nhờ vào sự tự tu mà biến được mình thành một mẫu mực của nghề và nghiệp dạy học, không chỉ bằng việc truyền đạt kiến thức, mà còn và chính là bằng tấm gương sáng của bản thân mình. Cụ đã có thể la hét, quát mắng các học trò của mình, thậm chí quyết liệt lên án và đòi xử lý các tham quan ô lại giữa triều đình, chính bởi vì cụ đã rấtvà hoàn toàn tự tin vào sự hoàn thiện, sự gương mẫu của một bản thân đã được tự tu chu đáo của mình!