vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

CHU VĂN AN TRONG TÂM THỨC NGƯỜI DÂN THANH TRÌ


"Về Thanh Trì quê tôi... phía nam thành phố. Về Thanh Trì quê tôi, mảnh đất linh thiêng mảnh đất anh hùng, mang truyền thống ngàn năm, Thăng long, Hà Nội...".

Ca từ thiết tha, giai điệu ngọt ngào này trong bài hát "Thanh Trì quê tôi" cũng chính là niềm tự hào khôn xiết của mỗi người dân nơi đây khi nhắc đến vùng đất cổ có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời quê hương yêu dấu của mình. Thanh Trì đời nào cũng xuất hiện những nhân vật nổi tiếng như Lão Tướng Phạm Tu thế kỷ VI, dòng họ Ngô Thì (thế kỉ XVIII) thuộc xã Tả Thanh Oai... Huyện có truyền thống hiếu học, có 2 làng khoa bảng nổi tiếng là làng Nguyệt Áng- Xã Đại Áng và làng Tả Thành Oai- xã Tả Thanh Oai, và một trong những niềm tự hào bậc nhất của Thanh Trì chính bởi đây cũng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nên người con ưu tú, lỗi lạc là nhà sư phạm mẫu mực, người thầy giáo của muôn đời – tiên triết Chu Văn An.

Chu Văn An (còn gọi là Chu An, 1292 - 1370), tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, người làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam thời Trung đại, Chu Văn An đã giành được địa vị cao quý bậc nhất. Có lẽ ông là người duy nhất trong thời phong kiến nước ta, do việc tự học, tự dạy học mà được triều đình mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám - một chức lãnh đạo ngôi trường cấp cao nhất nước ta và cũng là chức quan trông coi việc Quốc học. Khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông ban tặng tên thụy cho ông là Văn Trinh với ý nghĩa ca ngợi một con người kết hợp được cả hai mặt của đạo đức là vẻ ngoài thuần nhã, hiền hòa và cốt cách chính trực, kiên định; được thờ ở Văn Miếu, ngang hàng với các bậc thánh hiền. Đó là điều hết sức hiếm có. Sử gia Phan Huy Chú cũng khẳng định Chu Văn An “đứng đầu bậc danh Nho” có đức nghiệp, “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ."

Trong tâm thức của nhân dân Thanh Trì, cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Chu Văn An là tấm gương sáng của mọi thời đại, được đời đời sùng kính, tôn vinh. Cùng với Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Chu Văn An được người dân  xã Thanh Liệt – huyện Thanh Trì tôn làm Thành hoàng làng, thờ tại ngôi đình khang trang bên bờ sông Tô Lịch. Nhân dân gọi ông là "Đức thánh Chu", "Đức thánh Văn" với tất cả tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ.

Có người đã từng nói:" Con người ta chỉ thực sự chết khi không để lại trong lòng người sống một điều gì cả". Như vậy, với Chu Văn An, tuy thầy đã đi xa, cách chúng ta gần bảy thế kỉ nhưng tên tuổi, tài năng và tâm huyết, phẩm cách của thầy luôn ngời sáng cùng thời gian, còn mãi khắc sâu trong tâm thức người dân bao thế hệ...

          Chu Văn An – xứng tầm bậc tiên triết lỗi lạc: Chu Văn An là nhà nho sống có lý tưởng, xem lý tưởng là trên hết. Sách Đại Việt sử ký toàn thư xác nhận, trước khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Chu Văn An “ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”. Ông là bậc thánh hiền đạo Nho, học vấn tinh thông , học trò theo học ông rất đông cũng là học Nho và vì thế mới có thể đỗ đại khoa mà vào làm quan trong triều. Học trò của ông không chỉ được học chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử. Dù ở cương vị nào, họ cũng là những tấm gương  về tài năng, đức độ. Như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát – đều đỗ Thái học sinh và làm quan Hành khiển trong triều Trần. Dù quyền cao, chức trọng nhưng mỗi lần tới thăm thầy, họ đều quỳ gối để được thỉnh giáo. Điều đó một mặt cho thấy đạo đức tuyệt vời của học trò chốn cửa Khổng sân Trình, mặt khác khẳng định thầy Chu Văn An tài năng, đức độ như thế nào...Theo thầy Chu Văn An,  mục đích và thành quả của việc học không phải chỉ là kiến thức mà học để thành người có đức lớn.

Chu Văn An - Tiết tháo ngay thẳng, không sợ cường quyền: uy tín của Chu Văn An với đời không đóng khung trong tài học mà còn bởi tiết tháo làm người. Vì thế không chỉ học trò mà nhân dân muôn đời đều ngưỡng mộ, coi ông như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu trong kẻ sĩ. Ông nêu cao khí tiết và tư tưởng độc lập trong hành sự của mình: “Chí khí dũng cảm thuở bình sinh như chim hạc bay ngang trời thu”. Đồng thời, ông cũng thể hiện khí chất thanh cao, bản lĩnh “độc lập” - đứng một mình, tách ra khỏi dòng đời bụi bặm. Ví mình như cây tùng, đóa sen, như phượng hoàng đậu trên ngô đồng, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đề cao ý chí tự do và việc giữ gìn khí tiết.  Kẻ sĩ luôn có thái độ cứng rắn, cương nghị trước uy thế của cường quyền (uy vũ bất năng khuất). Chu Văn An làm quan trông coi việc giáo dục nhưng không vì thế mà ông lãng quên chức trách của nhà nho - kẻ sĩ: “chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn”. Ông giáo dục học trò phải có tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại kẻ gian tà để giúp dân giúp nước, và chính ông đã thực hiện điều đó. Hành động dâng Thất trảm sớ đã chứng minh cho tính cách kẻ sĩ của ông không khoan nhượng đối với những kẻ quyền thần gian tham. Chỉ ba chữ Thất trảm sớ đã làm cho người đời khâm phục, kính trọng ông và hành động theo ông để giữ tròn tiết tháo của một người có trách nhiệm với đất nước non sông. Đây cũng lại là hành động thể hiện rõ tính cách kẻ sĩ ở Chu Văn An. …Hình ảnh người thầy lưng còng, tóc bạc vẫn nặng lòng với vận nước có sức lay động, thức tỉnh triệu triệu trái tim con người về ý thức trách nhiệm với đất nước, nhân dân.

Chu Văn An – người thầy m huyết với sự nghiệp giáo dục: Tính cách kẻ sĩ của Chu Văn An còn thể hiện rõ trong việc làm cho “giáo hóa được đổi mới”. Ông chính là hiện thân của một nhà sư phạm mẫu mực. Chu Văn An quan niệm vai trò của nhà nho (nhà giáo dục) trước hết phải có nhiệm vụ gây dựng sự thành đạt cho người khác, phải vì dân mà cống hiến, để lại sự nghiệp cho hậu thế. Ông đã từng dạy học trò: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của nhà nho chúng ta”. Chu Văn An đã mở trường tư thục Huỳnh Cung ở quê nhà để thu nhận học trò nghèo. Đây là minh chứng cho việc thực hiện chủ trương giáo dục không phân biệt đối tượng mà Khổng Tử đã nêu lên. Ông dạy nhiều hạng người: Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông); các học trò đỗ đạt cao, làm quan trong triều (Phạm Sư Mạnh, Lê Quát,...) và nhiều học trò khác (tương truyền có tới hơn ba nghìn người); thậm chí theo huyền tích, có cả con vua Thủy vùng đầm Long Đàm cũng hiện thành người theo học. Điều này đã chứng tỏ uy tín và đạo hạnh của ông vượt ra khỏi cả sự lưu truyền trần thế để đến với thế giới thần linh. Với việc mở trường tư dạy học, ông đã góp phần làm cho không khí học tập cuối thời Trần trở nên sôi nổi. Suốt cuộc đời Chu Văn An luôn gắn bó, tận tụy với nghề dạy học, không vì ham công danh, phú quý mà quên đi công việc “dạy chữ, dựng người”.

Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch sử giáo dục Nho học nước nhà. Ông xứng đáng được tôn vinh là “Bậc Tiên Triết như núi cao cho mọi người trông thấy, như đường lớn cho mọi người noi theo” (Bùi Huy Bích). Tấm gương người thầy vĩ đại Chu Văn An vẫn luôn in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam như lời khẳng định của Cao Bá Quát trong bài Vịnh Chu An: “Trời đất soi chung vầng hào khí/ Nước non còn mãi nếp cao phong”.

          Đã gần bảy thế kỉ trôi qua kể từ khi Chu Văn An qua đời, dù tư liệu về ông đã thất lạc nhiều, những di tích liên quan đến ông cũng phần nào thay hình đổi dạng nhưng cái còn lại mãi với đời chính là sự trân trọng, tri ân của nhân dân về một người thầy tài đức vẹn toàn.

Chính quyền và nhân dân Thanh Trì luôn nhất quán quan điểm phải có trách nhiệm tôn tạo, trùng tu đình thờ Chu Văn An trên tinh thần giữ nguyên gốc hiện trạng di tích, tôn trọng lịch sử để xứng tầm với công đức một danh nhân văn hóa, người thầy của muôn đời. Với kinh phí trên 7,8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước; các nguồn xã hội hóa do nhân dân và khách thập phương công đức gần 700 triệu đồng, đình thờ tiên triết Chu Văn An đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Bên dòng sông Tô Lịch ghi lại bao dấu tích lịch sử, một ngôi đình với phần cột và cấu kiện được thay mới nhưng giữ nguyên dáng nét kiến trúc cổ kính thời Lê Trung Hưng đã được phục dựng thật đẹp mắt. Vẫn là mô hình kiến trúc “nội công, ngoại quốc” (tức là bên trong kiến trúc hình chữ Công, nhìn toàn cảnh trong ngoài tựa hình chữ Quốc), đình thờ Chu Văn An tuy mới mẻ nhưng vẫn thân thuộc như hàng trăm năm trước đó. Kiến trúc chữ Công với ba nếp nhà gồm tiền tế, phương đình và hậu cung khang trang, nền gạch Bát Tràng được nung đốt bằng rơm để giữ nguyên nét cổ xưa vốn có. Nhà gỗ táu mật, lợp ngói liệt, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thếp vàng… diện mạo ngôi đình thật trang trọng, ấm áp mà thành kính. Chính giữa nhà tiền tế là hai tấm hoành phi sơn son thếp vàng với ba chữ “Túc thanh cao” (nghĩa là trí tuệ uyên bác như sao sáng) và bốn chữ “Vạn thế sư biểu” (Nghĩa là người thầy của muôn đời) như một sự tôn vinh của con cháu muôn đời với một danh nhân, một nhà giáo cao quý cũng như sự học và đạo làm thầy của mọi thời đại.

Đặc biệt, nhân dân Thanh Trì – quê hương của thầy càng tự hào hơn khi tại đền thờ thầy tại xã Thanh Liệt, vào mùng 4 Tết Âm lịch hằng năm, UBND Thành phố Hà Nội giao cho Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì tổ chức lễ khai bút đầu năm với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ người thầy vĩ đại của muôn đời cũng như bày tỏ sự trân trọng với đạo học ngàn năm của dân tộc. Như vậy, có thể kể đến những ngày lễ hội gắn với người thầy vĩ đại này (tại Thanh Trì – quê hương thầy hay tại Chí Linh – Hải Dương, nơi thầy ở ẩn) như:

-         Lễ hội mùa xuân – Lễ Khai bút (vào tháng Giêng)

-         Lễ hội mùa thu – mùa khai trường (gắn với ngày 15/8 – sinh nhật thầy)

-         Lễ hội về nguồn (26/11, tưởng nhớ ngày mất của thầy)

-         Lễ hội mùa thi – khách dâng hương xin lộc thi cử

-         Ngày 20-11: lễ hội dâng hương tri ân thầy

Những mốc lễ hội kể trên chính là tấm lòng thành kính, tri ân của nhân dân Thanh Trì – Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung hướng về thầy Chu Văn An, là minh chứng cho sức sống bền bỉ của tên tuổi, khí tiết, phẩm hạnh của Vạn thế sư biểu – tiên triết Chu Văn An.

Trích Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám