Trần Công Xán (hay còn gọi là Trần Công Thước), là người thôn Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) đời Lê Hiển Tông khi 42 tuổi. Trong sự nghiệp làm quan của mình, Tiến sĩ Trần Công Xán từng trải qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy triều đình như Bồi tụng (1784), Đồng Bình chương sự (1787). Năm 1787, Trần Công Xán cùng với phái đoàn của triều Lê Trung hưng đi sứ Nhà Tây Sơn yêu cầu trả lại đất Nghệ An. Tuy nhiên, việc không hoàn thành, cả phái đoàn đi sứ bị giam, sau được thả về và bị đắm thuyền chết.
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, sau khi vinh quy bái tổ, Tiến sĩ Trần Công Xán cùng các vị chức sắc địa phương lập nên Văn chỉ thôn Trung (xã An Vĩ) là nơi thờ các Tiên Thánh, đồng thời khuyến khích con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn trọng sự học. Hiện nay, sự tích về Tiến sĩ Trần Công Xán được lưu giữ trong hai cuốn sách chữ Hán tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có tiêu đề: Tiến sĩ Trần Công Xán sự trạng (ký hiệu A.2136) và cuốn Hưng Yên tỉnh Khoái Châu phủ Đông An huyện Kim Động huyện Phù Cừ huyện các xã thần tích (ký kiệu AE.a3/5).
Ảnh: Nhà thờ Tiến sĩ Trần Công Xán
Nhà thờ Tiến sĩ Trần Công Xán được xây theo kết cấu chữ Nhị, gồm Tiền tế, Hậu cung. Tiền tế là nếp nhà 5 gian, được dựng vào ngày 12 tháng 3 năm Đinh Sửu (tức ngày 18 tháng 4 năm 1997). Tiền tế và Hậu cung cách nhau một khoảng sân nhỏ. Hậu cung là nếp nhà 3 gian, được lợp ngói mũi hài, trùng tu năm 2008.
Ảnh: Khám thờ Tiến sĩ Trần Công Xán
Gian chính giữa Hậu cung đặt khám thờ, bên trong đặt bài vị thờ Tiến sĩ Trần Công Xán, hai gian tả hữu thờ Quan Trần Triều. Hiện nhà thờ còn lưu giữ được một số di vật như: bài vịnh về Tiến sĩ Trần Công Xán được viết bằng chữ Hán dưới triều vua Tự Đức, hoành phi, câu đối ca ngợi Tiến sĩ Trần Công Xán. Đặc biệt nhà thờ còn có 1 bản sắc phong thời Nguyễn (18/11/1889) phong Tiến sĩ Trần Công Xán với nội dung: “Sắc ban cho xã An Vĩ, huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên vốn thờ Tiến sĩ Bình chương sự Trần phủ quân tôn thần. Trong việc giúp nước che chở cho dân, thần vô cùng linh ứng, nhưng từ trước tới nay chưa từng được ban sắc tặng phong. Nay trẫm kế nối mệnh lớn, nghĩ đến công lao tốt đẹp của thần, nên ban cho thần là Quang ỷ Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Lại đặc chuẩn cho (dân xã) thờ thần như cũ, mong thần hãy phù hộ che chở cho dân của ta. Kính cẩn thay! Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái năm thứ nhất (1889)”.
Họ tên, quê quán của Tiến sĩ Trần Công Xán được khắc tên trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1772 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Xích Đằng (tỉnh Hưng Yên).
Bài và ảnh: Hoa Ngân