vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội với truyền thống hiếu học dòng họ Nguyễn Hạ Yên Quyết


82 bia đá đề danh Tiến sĩ của các khoa thi từ 1442 đến 1779 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những di vật quý giá và được xem như pho sử bằng đá về giáo dục Nho học Việt Nam, trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại cùng với những thăng trầm của lịch sử, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

 

Ảnh: Khu vườn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội

 

Nội dung bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn ghi đầy đủ những thông tin cụ thể về khoa thi, số lượng thí sinh, tên, quê quán người thi đỗ, tên các quan coi thi, chấm thi,... Những thông tin này cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về sự phát triển giáo dục thời Lê - Mạc. Qua thông tin trên các bia Tiến sĩ chúng ta thấy sự xuất hiện của nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng. Trong số đó có dòng họ Nguyễn ở Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) là một làng trong 4 làng nổi tiếng (Mỗ, La, Canh, Cót). Dòng họ Nguyễn là một trong những họ nổi tiếng ở Hạ Yên Quyết, đây là một dòng họ có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Đến nay họ Nguyễn đã phát triển được hơn 20 đời trong gần 600 năm với rất nhiều danh nhân học cao, trí lớn, có đức, có tài, đã đem toàn bộ tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân. Họ đều là những người đức độ, chính trực, thanh liêm, lập lên nhiều công lao lớn và được sử sách ghi lại. Dòng họ Nguyễn có tất cả 5 vị đỗ đại khoa, 30 vị đỗ Cử nhân, Tú tài.

Cụ thủy tổ của dòng họ là Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, chưởng lục bộ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhập thị kinh diên.

Đời thứ hai là Nguyễn Xuân Nham, cháu họ của Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499) đời vua Lê Hiến Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ.

Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Xuân Nham đỗ các khoa thi năm 1469 và năm 1499. Hai khoa thi này theo Đại Việt sử ký toàn thư chép đều được dựng bia đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám song đã bị thất lạc, những bia này hoặc đã bị huỷ hoại, hoặc chuyển dịch thất lạc, bị vùi lấp đâu đó chưa phát hiện được.

Đến đời thứ ba là Nguyễn Khiêm Quang, cháu của Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng. Khoa Quang Thiệu 5 (1520) và 2 khoa đời Lê Cung Hoàng (Thống Nguyên 2 (1523) và Thống Nguyên 5 (1526), tức 3 khoa thi cuối cùng của đời Lê sơ thì không những đương thời mà cả về sau cũng chưa bao giờ được dựng bia. Vì thế mặc dù đỗ Tiến sĩ song tên ông không được khắc trên bia đặt tại Văn Miếu.

Đời thứ 5 là Nguyễn Nhật Tráng, cháu của Nguyễn Khiêm Quang, ông đỗ Hội nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng 18 (1595) đời Lê Thế Tông. Bia Tiến sĩ năm 1595 đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám khắc tên ông: “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Nhật Tráng: xã Yên Quyết Hạ, huyện Từ Liêm”.

Đời thứ 8 là Nguyễn Vinh Thịnh, cháu tằng tôn của Nguyễn Nhật Tráng, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời vua Lê Thần Tông. Tên của ông được khắc trên văn Tiến sĩ khoa thi năm 1659 đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Vinh Thịnh: xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm”.

 

Ảnh: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội

 

82 bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu hết sức quý giá, chúng ta có thể tìm được rất nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, các giá trị triết lý, giá trị tư tưởng và quan điểm của người đương thời. Những tấm bia đá hiện vẫn còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nhắc nhở chúng ta về chính sách đối với nhân tài, đề cao, ca ngợi công trạng của các danh nhân với dân, với nước. Trong số 1304 vị Tiến sĩ được lưu danh trên bia Tiến sĩ nói chung và những vị Tiến sĩ của dòng họ Nguyễn ở Hạ Yên Quyết nói riêng, rất nhiều người đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục..., trở thành những vị quan công minh đem tài trí của mình giúp dân, giúp nước.

Bài và ảnh: Bạch Ngọc Minh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám