vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Nghiêm Tướng Công Từ


Đền thờ Nghiêm tướng công từ tại xóm Giếng, xã Quan Độ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ Tướng quân Nghiêm Kế, tổ tiên của dòng họ Nghiêm ở Quan Độ. Đặc biệt, đền còn là nơi thờ hai danh nhân khoa bảng là Nghiêm Phụ và Nghiêm Ích Khiêm.

 

Ảnh: Tượng thờ Tướng quân Nghiêm Kế tại nhà thờ

 

Theo “Nghiêm thị gia phả”, Nghiêm Kế chính là đời thứ hai của dòng họ Nghiêm sinh sống trên vùng đất Quan Độ. Khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của triều đại Trần diễn ra lần thứ nhất năm 1258, ông đã trở thành một trong những vị tướng đảm nhận vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, ông được triều đình ban chức Đặc tiến Phụ quốc - Bắc vệ Đại tướng quân, tước Hầu, và tấn phong là Quốc bình hành.

Đền còn là nơi thờ hai nhà khoa bảng họ Nghiêm là Nghiêm Phụ và Nghiêm Ích Khiêm - Hậu duệ của Tướng quân Nghiêm Kế. Nghiêm Phụ sinh năm Canh Ngọ - 1450. Năm 1473, Nghiêm Phụ dự khoa thi Hương và đỗ Tứ trường. Năm 1478, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9, làm quan đến chức Thừa Chính sứ. Nghiêm Ích Khiêm sinh năm Kỷ Mão (1459), mất năm Kỷ Mùi (1499). Khoa thi năm khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) đời Lê Thánh Tông, ông tham gia kỳ thi Đình và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Sau ông chuyển sang chức võ, làm quan đến chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ.

 

Ảnh: Cổng nhà thờ Tướng quân Nghiêm Kế

 

Đền được xây dựng từ thời Lê, đến những năm đầu thế kỷ XX, với mục đích tiêu thổ kháng chiến nên di tích đã được dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, con cháu dòng họ Nghiêm đã tiến hành dựng lại nhà thờ ngay trên nền đất cũ. Đền thờ ngày nay gồm các hạng mục công trình: cổng tam quan, nhà Hữu vu, Tiền tế và Hậu cung. Khu vực thờ tự chính bao gồm Tiền tế và Hậu cung được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhị, mái được lợp ngói mũi hài. Tiền tế là nếp nhà ngang rộng 5 gian để trống, là nơi hội họp, bàn bạc các sự kiện quan trọng của dòng họ Nghiêm. Năm 2005, tại gian Tiền tế, họ Nghiêm đã cho dựng bia đá khắc hai mặt chữ Hán và chữ Quốc ngữ với nội dung tóm tắt thế thứ tổ tiên của dòng họ Nghiêm. Hậu cung được chia làm ba gian thờ, trong đó, gian giữa là nơi thờ cụ Nghiêm Kế, Nghiêm Phúc Tuấn và Nghiêm Yết. Gian bên trái và phải là nơi thờ chung tổ tiên họ Nghiêm, trong đó có hai vị đỗ Đại khoa là Nghiêm Phụ và Nghiêm Ích Khiêm. Gian giữa Hậu cung, phía sau hương án là bức tượng của Bắc vệ Đại tướng quân Nghiêm Kế uy nghiêm. Tượng làm bằng gỗ mít, cao khoảng 80cm, được tạc với tư thế chân buông cân đối phía trước, đầu đội mũ bó sát kiểu phốc đầu, mặc áo thụng dài, tay trái úp đặt lên đầu gối, tay phải cầm thẻ bài. Gương mặt tượng được tạc đầy đặn, phương phi, chân mày và mắt đều xếch lên, hai tai lớn và dày. Hằng năm, ngày 10 tháng 3 âm lịch, con cháu họ Nghiêm trên khắp cả nước sẽ tề tựu tại đền thờ để tổ chức ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên.

Cùng với các di tích khác, Đền thờ Bắc vệ Đại tướng quân là một trong những di tích tiêu biểu của làng Quan Độ. Ngày 20/4/1995, Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích quốc gia. Đây là các công trình tín ngưỡng văn hóa chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của quê hương đất nước./.

         

Lâm Thùy Ngân

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám