vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Những tư liệu lịch sử ghi chép về Tế Tửu Quốc Tử Giám Vũ Miên


Vũ Miên (1718-1782) làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở xã Xuân Lan, huyện Lang Tài, nay thuộc thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm quan đến chức Thượng thư vì thế có nhiều tư liệu cổ ghi chép về ông.

Ảnh: Tượng thờ Vũ Miên tại nhà thờ

 

Quê quán Vũ Miên được ghi chép thống nhất trong các sách như: Khâm định việt sử thông giám cương mụcViệt sử cương mục tiết yếu và trên bia Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đều ghi ông là người xã Xuân Quan, huyện Lang Tài.

Tiểu sử của Vũ Miên được ghi chép chi tiết trên thác bản bia thần đạo khắc dựng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782). Bia thần đạo tóm tắt tiểu sử Liên Khê hầu Vũ Miên như sau: Vũ Miên sinh năm 1718, tên húy là Trọng, tiểu tự Hy Nghi. Ông nội là Vũ Bá Xuân được tặng Triệu Phái bá, bà nội là Nguyễn Thị Bái, được tặng Tự phu nhân. Cha làm Huấn đạo, tên Vũ Khuê, được phong tặng Công bộ Hữu thị lang Lan Khê hầu. Mẹ là Đỗ Thị Đễ được phong tặng Chánh phu nhân. Bản thân ông năm 15 tuổi học ở trường huyện, 18 tuổi vào học trong Quốc Tử Giám, 31 tuổi thi Hội đỗ Hội nguyên, văn phú, sách đều giỏi loại nhất. Làm quan Đốc đồng xứ Kinh Bắc, trải giữ các chức Tri Lễ phiên, Bồi tụng, Tham tụng, kiêm hành Ngự sử đài, Binh bộ, Lại bộ. Phu nhân là Vũ Thị Mát. Con trưởng của ông là Phó Hiến sát sứ Vũ Thiều, cháu đích tôn là Tri phủ Vũ Trinh.

         

Ảnh: Nhà thờ Vũ Miên

Ông đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1748), việc đỗ đạt của ông được ghi chép nhiều trong các sách: Đại Việt sử ký tục biên, Việt sử cương mục tiết yếuLịch triều hiến chương loại chí, và được khắc trên bia Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội; được khắc trên bia Kim bảng lưu phương (từ khoa Tân Hợi – 1731 đến khoa Đinh Mùi – 1787) đặt tại Văn miếu Bắc Ninh; được khắc trên bia Tục lập đề danh bi có niên đại vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782). Trên chuông lớn Bích Ung đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội cũng có đề cập đến năm ông đỗ Tiến sĩ là năm 1748. 

Sau khi Vũ Miên đỗ đạt, ông liên tục làm quan dưới triều Lê - Trịnh, lần lượt qua nhiều chức quan từ nhỏ tới lớn. Các chức quan của ông được chép trong Đại Việt sử ký tục biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Trong thời gian từ 1761 đến 1778 ông là kinh qua các chức: Giản quan năm 1761, Bồi tụng và Tế tửu Quốc Tử Giám năm 1767, Thự thiêm đô ngự sử năm 1768, Phó Đô ngự sử năm 1774, Hữu thị lang bộ Hình, Hữu thị lang bộ Binh năm 1777, Hành tham tụng năm 1778, khi mất (1782) ông được phong tặng hàm Thượng thư, thụy Ôn Cẩn.

Khi làm Tổng tài Quốc sử quán, ông được giao chủ trì biên soạn Quốc sử tục biên. Bộ sách này chép sự việc từ niên hiệu Vĩnh Trị (1676) đời Lê Hy Tông đến niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1739) đời Lê Ý Tông, gồm 6 quyển. Hoàn thành bộ quốc sử, Vũ Miên lại cùng Nguyễn Hoản, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên biên soạn sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục vào năm 1779. Sách chép danh sách đỗ đạt Trạng nguyên, Tiến sĩ từ năm 1075 đến năm 1787.

Vào năm 1761 Vũ Miên làm tán lý quân vụ Hưng Hóa. Lúc ấy quan quân đạo Hưng Hóa vây giặc Thành đã lâu, quân sĩ nhiều người bị nhiễm chướng dịch. Tháng 9, giặc Thành nhân cơ hội nước lên to, phá vây chạy, quan quân đuổi theo bắt được, giải về kinh sư, giết giặc Thành cùng đồ đảng, Hưng Hóa được yên. Nhờ lập được công lớn nên tới năm Giáp Ngọ - Cảnh Hưng thứ 35 (1774),“Chúa cho Bồi tụng Vũ Miên làm Phó Đô ngự sử”. Vũ Miên cũng có đóng góp trong việc dẹp giặc Lê Duy Mật. Khởi nghĩa Lê Duy Mật diễn ra suốt 30 năm với quy mô rất rộng lớn. Vũ Miên tham gia vào việc bàn công việc tiến đánh hợp ý Chúa. Nhờ vậy dẹp tan được giặc Lê Duy Mật.

Các sách Đại Việt sử ký tục biên, Việt sử cương mục tiết yếu đều khi Vũ Miên mất năm 1782 vì bệnh nặng.

Vũ Miên giữ chức Tổng tài quốc sử quán nên ông có rất nhiều các tác phẩm bằng cả chữ Hán và chữ Nôm như: Lê triều Vũ Liên Khê công Bắc sứ tự thuật kí, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục. Ngoài ra ông còn có một số bài thơ văn được chép rải rác trong các tác phẩm: Quốc âm thi, Hồng ngư trú tú lụcCẩm tuyền vinh lụcLịch đại quần anh thi văn tậpViệt thi tục biênĐạo giáo nguyên lưu.

Qua những tóm lược tư liệu cổ ta có thể thấy Vũ Miên là người luôn tận hiếu tận trung, cống hiến hết mình vì xã tắc. Từ khi bước vào chốn quan trường, ông luôn tận lực làm hết trách nhiệm của mình. Có thể nói Vũ Miên là người văn võ song toàn, có sự nghiệp chính trị và quân sự vẻ vang, ông có nhiều đóng góp trong việc chính sự cũng như góp phần làm ổn định tình hình biên giới của đất nước.

Bài và ảnh: Minh Lan

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám