vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785)


Nguyễn Bá Lân sinh năm Canh Thìn (1700) trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Ông không chỉ là một tác gia lớn của nền văn học trung đại, mà ông còn là một nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước.

Làng Cổ Đô yên bình nằm bên dòng sông Đà cuộn sóng. Tạo hóa đã ban cho mảnh đất này nhiều sự “hữu duyên” nên đã có nhiều truyền thuyết ra đời từ nơi đây. Đất Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học nên người dân luôn tự hào về truyền thống hiếu học, khoa bảng của làng.

Cha của Nguyễn Bá Lân là Nguyễn Công Hoàn vô cùng nổi tiếng về thơ văn thời bấy giờ. Nguyễn Công Hoàn hiệu là Mai Hiên, tên chữ là Hạo Nhiên, là người có tài văn học xuất chúng, nổi tiếng gần xa. Người ta ca tụng ông là một trong “Tràng An tứ hổ” gồm: nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Nguyễn Công Hoàn nức tiếng văn chương nhưng con đường khoa cử của ông lại không may mắn. Ông thường đi dạy học khắp nơi, đến khi Nguyễn Bá Lân 15 tuổi, ông về trực tiếp dạy dỗ con trai của mình. Nguyễn Bá Lân đã lĩnh hội được những tinh túy chắt lọc trong kiến thức mà cha truyền thụ, ông sớm nổi tiếng văn hay, chữ tốt so với chúng bạn cùng thời. Năm 31 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Hội, vào thi Đình, Bá Lân đỗ đầu hàng Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731).

Sau khi thi đỗ có nhiều điều kiện để thi thố tài năng, quan lộ của Nguyễn Bá Lân bắt đầu rộng mở. Năm 1737 khi đang là Đốc đồng trấn Sơn Nam, chúa tin cậy giao cho ông làm Giám quân, ông đã lập được công to, nên nhà chúa giao ông giữ chức Bồi tụng. Năm 1744, Bá Lân được bổ làm Lưu thủ Hưng Hóa, sau đó làm Đốc trấn Cao Bằng. Với tấm lòng yêu dân, trách nhiệm với biên cương của đất nước, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, được dân chúng tin yêu, kính trọng. Vì vậy, năm 1756, ông được triều đình vời về Kinh thăng làm Thiêm Đô Ngự sử kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, đồng thời giữ chức Bồi tụng trong phủ chúa. Nguyễn Bá Lân cùng một lúc làm việc trong cung vua, phủ chúa và phụ trách Quốc Tử Giám đủ thấy ông là người có khả năng lãnh đạo và tầm quản lý vĩ mô. Đây là giai đoạn quan trọng, thăng hoa nhất của Nguyễn Bá Lân, cũng là thời kỳ ông có nhiều đóng góp nhất cho văn hóa, giáo dục của nước nhà.

Quốc Tử Giám có vai trò là trung tâm đào tạo, giáo dục nhân tài cho quốc gia nên Tế tửu thường do các bậc đại thần đạo cao, đức trọng phụ trách. Tế tửu vừa trông coi việc tế lễ vào dịp xuân thu nhị kỳ, vừa quản lĩnh việc dạy và học trong nhà Giám. Một nhiệm vụ quan trọng khác của người đứng đầu Quốc Tử Giám là xem xét, đánh giá chính xác tài, đức của Giám sinh tiến cử lên triều đình, nhằm tuyển chọn được những nhân tài xứng đáng cho đất nước. Trong thời gian Nguyễn Bá Lân làm Tế tửu Quốc Tử Giám, ông rất sát sao với việc học tập của Giám sinh, luôn công tâm, chính trực trong quá trình đánh giá học trò. Do vậy học trò trường Giám đã có nhiều người đỗ đại khoa có phần nhiều công sức dạy dỗ, giám sát của Nguyễn Bá Lân trong thời gian ông giữ Tế tửu Quốc Tử Giám như các Giám sinh: Phạm Nguyễn Đạt đỗ Hội nguyên, Phan Khiêm Thụ và Phan Lê Phiên, đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1757.

Năm 1770, Nguyễn Bá Lân xin về trí sĩ, chúa Trịnh ưng cho nhưng vẫn lưu giữ ông ở gần kinh thành để khi có việc có thể gặp ông tham khảo ý kiến. Năm 1772, Nguyễn Bá Lân được triều đình khởi phục, bổ giữ chức Thượng thư Bộ Lễ - chức quan đứng đầu, chịu trách nhiệm tổ chức và kiểm soát việc học hành thi cử, chọn nhân tài cho đất nước và các vấn đề lễ nghi triều chính.

Năm 1786, Nguyễn Bá Lân mất, được triều đình truy tặng hàm Thái tể, tước Quận công, thọ 86 tuổi. Hơn 50 năm làm quan, trải qua nhiều trọng trách trong cung vua, phủ chúa ở cả văn và võ, Nguyễn Bá Lân không chỉ là một trí thức có kiến thức uyên bác, làm việc cẩn trọng mà còn là người thanh liêm, chính trực hết lòng vì dân vì nước. Dù ông làm việc ở đâu cũng luôn tận tâm, tận lực với công việc, nên ông được vua yêu, chúa mến. Các sử gia đều đánh giá cao về ông, khen ông là người có văn học, thẳng thắn, trung thực, là một bề tôi danh vọng.

Không chỉ là một danh thần, một nhà giáo, Nguyễn Bá Lân còn là một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Bài phú Nôm Ngã ba Hạc phú với lời văn điêu luyện, phép tắc nhuần nhuyễn, câu chữ và ý tứ độc đáo, gợi cho người đọc như đang thưởng ngoạn thiên nhiên vũ trụ đầy tươi vui và sống động là một bài phú tiêu biểu cho phú Việt Nam, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác gia viết phú sau này. Ngoài ra, Nguyễn Bá Lân còn có nhiều bài phú và thơ vịnh bằng chữ Hán như Giai cảnh hứng tình, Dịch đình hương xa, Trương Hàn tư thuần lư… Thơ và Phú của ông đã góp phần đưa tên tuổi ông thành một tác gia tiêu biểu của làng phú, của văn học Việt Nam.

Nguyễn Bá Lân là một danh Nho, danh thần, một nhân cách lớn, xứng đáng là một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo./.

 

Ths. Nguyễn Thị Mai 

Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám