vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Truyền thống hiếu học - khoa bảng của dòng họ Nghiêm, Yên Phong, Bắc Ninh


Làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một làng có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hiến, tiêu biểu là truyền thống hiếu học, khoa bảng.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển trên 8 thế kỷ, gia tộc họ Nghiêm làng Quan Độ đã xây dựng, phát triển những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là thượng võ và văn hiến. Nhiều người trong gia tộc đã trở thành những nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hóa. Bên cạnh những vị cống hiến tài đức cho sự nghiệp bảo vệ và binh bang đất nước dưới thời phong kiến như cụ Nghiêm Tĩnh, cụ Võ tướng Nghiêm Kế còn có rất nhiều những danh nhân khoa bảng. Thời phong kiến, họ Nghiêm làng Quan Độ có nhiều tấm gương điển hình về thông minh, hiếu học, có ý chí tiến thủ bằng học vấn và khoa bảng tiêu biểu như: Nghiêm Thức, Nghiêm Phụ, Nghiêm Ích Khiêm, Nghiêm Lý, Nghiêm Khắc Nhượng, Nghiêm Công Cương, Nghiêm Xuân Diên, Nghiêm Trực Phương, Nghiêm Kính Giản…

Mỗi người trong dòng họ Nghiêm đều cần cù hiếu học, có nhiều vị đi thi rất nhiều lần không đỗ mà chưa hề chùn bước, có thể kể tới: Nghiêm Thúy, Nghiêm Huấn. Có nhiều vị đi dự thi ở cả hai triều đại, chẳng hạn như: Nghiêm Xuân, Nghiêm Trực Phương, Nghiêm Danh Soạn.

Không chỉ làm quan và cống hiến tài đức cho dân, cho nước, nhiều bậc khoa bảng họ Nghiêm ở Quan Độ còn tham gia vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước như: Nghiêm Kính Giản về trí sĩ khi 56 tuổi, ông mở trường dạy học tại quê hương. Học trò theo học rất đông, có tới 300 người. Nghiêm Xuân Diên đỗ Cử nhân thời vua Lê Thần Tông, cụ về mở trường dạy học, tập hợp được rất đông học trò, theo sử sách ghi lại có thời tới 400 người. Rồi cụ Nghiêm Soạn đến triều Tây Sơn, thi đỗ Cử nhân, những không cầu danh lợi, và đi dạy học, con số người theo học cụ lên tới 500 người.

Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay, nhiều con em của họ Nghiêm Quan Độ đã thành đạt trên con đường học vấn và khoa cử. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Quan Độ có 16 người tốt nghiệp Cao Đẳng, 53 người có trình độ Đại học (trong đó có 17 kỹ sư, 1 bác sĩ) và có 6 người đạt học vị Thạc sĩ. Điều đáng ghi nhận là các con em họ Nghiêm ở Quan Độ dù vẫn ở quê hay làm ăn xa quê, dù thành đạt trong các công tác tại các cơ quan nhà nước, hay thành đạt trong kinh doanh sản xuất đều gắn bó với quê hương bằng nhiều việc làm thiết thực như đóng góp tiền của, công sức để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử của gia tộc như: từ đường, đền thờ, lăng mộ của dòng họ (đền Đại Tư Mã, đền thờ Bắc vệ Đại tướng quân Nghiêm Kế, mộ Nghiêm Quý Công …)

Nhìn vào con đường khoa cử, văn nghiệp giáo dục cho chúng ta thấy họ Nghiêm ở Quan Độ đã đóng góp cho đất nước nhiều hiền tài. Ngày nay con cháu họ Nghiêm ở Quan Độ không chỉ đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ tổ quốc mà còn có tinh thần lao động cần cù xây dựng quê hương. Họ luôn phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo tồn và phát huy truyền thống của gia tộc nói chung và truyền thống hiếu học - khoa bảng nói riêng.

 

Bài và ảnh: Ngọc Tùng

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám