Nguyễn Duy Thì sinh năm 1572, người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng (nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên), là nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong Gia phả của dòng họ Nguyễn có tiêu đề Yên Lãng Thượng thư công gia phả có ghi: “Ông sinh lúc sáng sớm giờ Canh Thìn ngày Ất Mùi mùng 10 tháng 3 năm Nhâm Thân, tự là Duy Thì.” Sự kiện Nguyễn Duy Thì đỗ Hoàng giáp khoa thi Mậu Tuất năm Quang Hưng 21 (1598) khi 27 tuổi đều được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục... Nội dung sắc phong năm 1651 (hiện lưu giữ tại nhà thờ), Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, cho ta biết Nguyễn Duy Thì mất năm 1651, thọ 81 tuổi. Sau khi mất, ông được ban tên thụy là Hành Độ, tặng chức Thái tể.
Ảnh: Triển lãm Nguyễn Duy Thì cuộc đời và sự nghiệp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Trong hơn 50 năm làm quan, qua các tư liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đạo sắc phong… cung cấp một số chức quan mà Nguyễn Duy Thì từng đảm nhiệm như: Công bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng thư Bộ Lại, giữ việc 6 Bộ… Đồng thời, các sử gia của các cuốn sách này cũng chép lại việc ông đi sứ nhà Minh năm 1606 và bài Khải “Đạo trị nước” mà Nguyễn Duy Thì cùng các quan Ngự sử 13 đạo dâng lên chúa Trịnh chỉ ra vai trò của người dân đối với đất nước, khuyên chúa nên “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại sự kiện Nguyễn Duy Thì liên tiếp tham gia đánh tàn quân nhà Mạc vào các năm 1618 và 1623, lập nên công trạng nên được phong Dực vận tán trị công thần. Năm 1624 và 1649, Nguyễn Duy Thì được triều đình cử vào Đàng Trong gặp chúa Nguyễn. Các sự kiện này được chép trong Đại Nam thực lục.
Ảnh: Các sách chính sử lưu lại tên tuổi sự nghiệp của Nguyễn Duy Thì
Mặt khác, Ông còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác thuộc lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục như Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám trong khoảng hơn 30 năm (khoảng năm 1620 đến năm 1651); làm Giám thí của khoa Quý Sửu niên hiệu Hoằng Định 14 (1613) và khoa thi Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623); Tri cống cử khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa 3 (1637). Các sự kiện này lấy từ nội dung của các đạo sắc phong của dòng họ Nguyễn Duy ở Thanh Lãng và 3 tấm bia của ba khoa thi trên hiện được lưu giữ tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Hiện nay, trước tác của ông chỉ còn lại 3 bài văn bia (Đò Mát tự bi, Tĩnh Lự thiền tự bi, Bia Văn chỉ huyện Lương Tài). Thác bản của 3 tấm bia đá này được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung các tấm bia ghi lại 1 số chức quan mà Nguyễn Duy Thì từng đảm nhiệm đương thời, đó là: Thượng thư Bộ Công (1626), Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Tế tửu Quốc Tử Giám, Hàn lâm viện Thị giảng, Chưởng Hàn lâm viện sự, Thái phó, tước Tuyền Quận công (1648-1649). Hai bài thơ chữ Hán có tên Bạc chu Bành Thành ngộ tuyết thứ Chánh sứ Nguyễn Phác Phủ vận và Bành Thành hoài cổ họa Chánh sứ Nguyễn Phác Phủ của Nguyễn Duy Thì viết trên đường đi sứ nhà Minh năm 1606, được chép trong cuốn Toàn Việt thi lục.
Có thể nói, tư liệu lịch sử ghi chép về Nguyễn Duy Thì khá phong phú về thể loại và tương đối tin cậy như bộ chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục), chí (Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí), truyện (Công dư tiệp ký, Chư gia phát tích địa), gia phả, văn bia… Những ghi chép đó giúp chúng ta thu thập được nhiều sự kiện liên quan tới Tế tửu Nguyễn Duy Thì, góp phần tái hiện một cách khá chân thực về con người, cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp cho dòng họ, đất nước của ông thế kỷ XVI-XVII./.
Bài và ảnh: Ngân Anh