Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu là con trưởng của Hoàng giáp Thái Tể Tuyền Quận công Nguyễn Duy Thì.
Ông đỗ Hoàng giáp năm 1628, tên của ông được khắc trên Bia Tiến sĩ khoa Vĩnh Tộ 10 (1628) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội như sau: “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Duy Hiểu: xã Yên Lãng huyện Yên Lãng”. Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu cũng như các vị Tiến sĩ đỗ đồng khoa được lưu danh trên bia đá đều là những bậc trung thần hết lòng vì nước, vì dân.
Sau khi thi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Duy Hiểu theo thể lệ được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, chánh thất phẩm, hàm Tu thận doãn. Chỉ mấy tháng sau, ông được thăng tước Nghĩa Phú tử. Đến tháng 11 năm 1629, Nguyễn Duy Hiểu được thăng chức Lại khoa Cấp sự trung.
Cuối năm Đức Long 2 (1631), theo lệ quy định con cháu đại thần được hưởng tập ấm, Lại khoa Cấp sự trung Nguyễn Duy Hiểu là con trưởng của Công bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Tuyền Quận công Nguyễn Duy Thì được gia phong là Triều liệt Đại phu, Trung giai. Chưa đầy 2 năm, ông được thăng chức Lại khoa Đô Cấp sự trung. Hơn nửa năm sau, ông được thăng chức Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử.
Ảnh: Bia khoa thi Vĩnh Tộ 10 (1628) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Năm Dương Hoà 3 (1637), Nguyễn Duy Hiểu đi sứ nhà Minh cùng Giang Văn Minh và 4 vị Phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê. Trong chuyến đi sứ này, cái chết của sứ thần Giang Văn Minh được ghi chép rất kỹ trong Đại Nam nhất thống chí. Song không thấy ghi chép về cái chết của Nguyễn Duy Hiểu. Tuy nhiên, hiện nay dòng họ vẫn lưu giữ được tấm sắc phong của vua Lê Thần Tông ghi nhận công lao đi sứ của ông. Nội dung sắc phong như sau:
“Sắc cho: Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Ngự sử đài, Thiêm Đô Ngự sử, Nghĩa Phú tử, Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu vì việc đi sứ Bắc quốc nạp cống, hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức… Các triều thần bàn định nên gia tặng chức Hình bộ Tả Thị lang, tước hầu và ban tên thụy. Nay xét gia tặng chức Hình bộ Tả Thị lang, tước Nghĩa Phú hầu, thụy Văn Định. Vậy ban sắc này.
Dương Hòa thứ 6, ngày 23, tháng Giêng nhuận.”
Tờ sắc phong có quốc ấn “Hoàng đế chi bảo”, đồng thời còn ghi rõ: “…vì việc đi sứ Bắc quốc nạp cống, hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức…” cho thấy vua Lê Thần Tông và triều đình thời chúa Trịnh Tráng đánh giá rất cao công lao đi sứ của Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu. Trong Lịch triều đăng khoa lục chép về Nguyễn Duy Hiểu như sau: “Phụng sứ, đạo tốt” (vâng mệnh đi sứ, chết trên đường). Như vậy, ta có thể thấy Nguyễn Duy Hiểu là một nhà ngoại giao tài ba có công lao lớn với đất nước.
Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu là người rất tận trung với nước, có ích với dân, đạo nghĩa ngay thẳng, công đức vẻ vang. Ông còn là một nhà ngoại giao tài ba có công với nước. Với những đóng góp của mình, Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu xứng đáng được cả dân tộc ghi nhớ mãi./.
Sưu tầm