vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ


Nguyễn Công Cơ tự là Nghĩa Trai, là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của Từ Liêm xưa. Ông sinh năm 1676 tại làng Xuân Tảo (nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Năm 22 tuổi, Nguyễn Công Cơ thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) đời vua Lê Hy Tông. Hiện nay tên tuổi, quê quán của ông còn được khắc trên bia Tiến sĩ đặt tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Công Cơ được triều đình bổ nhiệm giữ chức Hiệu thảo trong Hàn lâm viện. Tháng 3, năm Giáp Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 25 (1704), Trịnh Luân, Trịnh Phất, Đào Quang Nhai mưu làm phản, đều bị giết lúc này Hiệu thảo Nguyễn Công Cơ dò xét được tình trạng, bèn tâu lên. Chúa giao xuống cho quan lại trừng trị, bọn chúng đều bị khép vào pháp luật. Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ được cất nhắc làm Hữu Thị lang Bộ Công.

Tháng Giêng, mùa xuân năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), Tả Thị lang Bộ Hộ Nguyễn Công Cơ được cử làm Chánh sứ, đứng đầu đoàn ngoại giao của nước Đại Việt đi tuế cống nhà Thanh. Một năm sau, đoàn đi sứ trở về, “phụng chỉ dụ của vua nhà Thanh nói: Phẩm vật tuế cống, lư hương và bình hoa bằng bang, chậu bằng bạc, từ sau được theo số lượng đã định mà thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh rồi giao quan chức tỉnh Quảng Tây thu nhận lưu trữ, còn ngà voi và tê giác đều được miễn, người tùy hành cũng liệu lượng giảm bớt”. Chính vì thành công của đợt đi sứ này mà ông được triều đình thăng làm Thượng thư Bộ Binh.  Đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), tháng 4, mùa hạ, triều đình tổ chức khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, lúc bấy giờ, Nguyễn Công Cơ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo, kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo Quận công. Cũng trong năm này, khi 46 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tham tụng trong phủ Chúa.

Là một vị quan cương trực, khi phát hiện những sai lầm trong việc tổ chức thi Hương tại lầu Ngũ Long, Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ đã tâu lên chúa Trịnh. Chúa Trịnh bèn ra lệnh thi lại. Xét công trạng của ông, chúa Trịnh đã gia thăng Nguyễn Công Cơ làm Thiếu bảo. Tháng 5 năm 1727, Thiếu bảo Nguyễn Công Cơ chuyển sang võ giai, giữ chức Thự phủ sự. Tháng 11 năm 1733, Thiếu bảo Nguyễn Công Cơ mất, triều đình gia tặng Thái phó.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ còn để lại cho đời một số trước tác như Vũ học tùng ký và 9 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.

Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ (hay còn gọi là Nhà thờ cụ Thượng Cáo) toạ lạc tại làng Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Đất nhà thờ trước kia vốn là kho muối của triều đình, sau khi Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ mất, triều đình vua Lê ban cho dòng họ khu đất này làm nơi hương khói, phụng thờ tưởng nhớ đến vị quan thanh liêm Nguyễn Công Cơ.

Ảnh: Cổng nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ

Nhà thờ có niên đại cách đây khoảng 300 năm. Đến năm 2008, nhà thờ được chính quyền và dòng họ tiến hành trùng tu lớn. Hiện tại, Nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ gồm các hạng mục công trình kiến trúc: cổng, nhà thờ. Cổng được xây dựng giản đơn, gồm 2 tầng tám mái, lợp ngói mũi hài. Từ cổng qua sân được lát gạch Bát Tràng, bước lên bậc tam cấp là đến nhà thờ.

Ảnh: Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ

Nhà thờ là nếp nhà ba gian, xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai, kiến trúc chữ Đinh, lợp ngói ri. Bên trong nhà thờ được chia làm 3 không gian thờ tự, trong đó, quan trọng nhất là gian giữa được dòng họ đặt hương án thờ Quận công Nguyễn Công Cơ và  song loan vua ban. Một số hoành phi như Phụ quốc hộ dân, Quốc thế thần được treo ở nhà thờ nhằm ca ngợi công lao, đóng góp của Quận công Nguyễn Công Cơ đối với dân chúng, triều đình. Hai gian còn lại trong nhà thờ là nơi treo bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1993 và tấm bảng ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Quận công Nguyễn Công Cơ.

Ảnh: Gian thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp quan trường của Quận công Nguyễn Công Cơ đã được ghi chép qua một số tư liệu chính sử như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Đăng khoa lục… Tựu chung lại, ông là vị quan được chúa Trịnh nhận xét là người thẳng thắn, sáng suốt, nói năng quả cảm. Chính sự thẳng thắn đó mà không ít lần Nguyễn Công Cơ bị các quan lại khác ghen ghét. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến sự tận tâm phục vụ triều đình của Nguyễn Công Cơ. Bởi thế, khi mất, “tuy là quan sang nhưng ông không lập cơ nghiệp, nên được tiếng là thanh bần”, được triều đình ban tước phong và ban cho kho muối để con cháu làm nơi hương khói tưởng nhớ đến vị quan thanh liêm này. Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ cũng là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở làng Cáo.

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng 10 âm lịch, dòng họ Nguyễn Công lại tổ chức lễ giỗ và dâng hương tưởng nhớ Cảo Quận công./.

Bài và ảnh: Thu Hằng


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám