Nguyễn Nghiễm tự Hy Tư, tiểu huý Thiều, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một danh sĩ “danh cao đức trọng” không chỉ được triều đình sủng ái có cuộc sống vinh hoa bậc nhất chốn kinh kỳ mà các sĩ nhân ngày ấy ngưỡng vọng ông như sao Khuê, sao Đẩu.
Gia đình của Nguyễn Nghiễm có nhiều đóng góp cho truyền thống khoa bảng của mảnh đất Nghi Xuân. Từ đời cha ông là Nguyễn Quỳnh làm Chánh đội trưởng, gia đình có điều kiện nên anh em Nguyễn Nghiễm được theo đuổi sự nghiệp bút nghiên. Em trai ông là Nguyễn Huệ đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733). Hổ phụ sinh hổ tử, các con ông tiếp nối truyền thống thi thư của gia đình làm rạng danh thêm cho dòng họ: Nguyễn Khản đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn năm 1760, giữ nhiều trọng trách trong triều đình. Nguyễn Đề (Nễ) thi Hội trúng Tam trường làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, hai lần đi sứ nhà Thanh. Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất, được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới nổi tiếng cả trong và ngoài nước với tác phẩm Truyện Kiều.
Ngay từ khi còn nhỏ Nguyễn Nghiễm đã là người thông minh hiếu học, các lần khảo thí ở huyện ở phủ ông đều đỗ đầu. Sau khi đỗ thi Hương năm 1723, theo đúng lệ, Nguyễn Nghiễm được vào học Quốc Tử Giám (1724). Các bài văn thi tứ trọng của ông đa số có điểm tối ưu, sau đó được yết bảng treo ngoài cửa Thái học. Danh tiếng Nguyễn Nghiễm vang khắp chốn kinh thành. Năm 24 tuổi, Nguyễn Nghiễm thi Hội xếp thứ 8, thi Đình được ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Tân Hợi Vĩnh Thịnh 3 (1731). Vì ông là người trẻ tuổi nhất khoa thi năm đó nên còn được gọi là “thiếu tuấn”.
Sau khi thi đỗ, lúc đầu Nguyễn Nghiễm giữ chức quan văn tại triều, sau đó cải bổ chức quan Tham nhung hiệp đồng tán lý; Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa (1737); Tham chính xứ Sơn Nam (năm 1741). Năm 1743, ông được thăng Hàn lâm viện Thừa chỉ, phong tước Xuân Lĩnh bá; năm 1746 thăng chức Hữu tham tri Bộ Công. Năm 1748 ông giữ chức Nghệ An Tuyên phủ sứ kiêm Tán lý quân vụ. Năm 1753, thăng Đô Ngự sử, kiêm giữ Đốc trấn Thanh Hoa. Năm 1754, ông về triều làm Tả giám thí khoa thi Hội; năm 1757 thăng làm Tả Thị lang Bộ Hình; năm 1759 làm Tả Thị lang Bộ Lễ. Năm 1761, triều đình tín nhiệm thăng tiếp ông giữ chức Thượng thư Bộ Công, Nhập thị Bồi tụng, Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1770, ông được phong làm Thái tể. Năm 1771, Nguyễn Nghiễm xin về trí sĩ khi đã 64 tuổi. Đến năm 1772, ông lại được chúa Trịnh Sâm triệu về kinh giao chức Thượng thư Bộ Hộ. Năm 1774, ông lãnh chức Tả tướng quân, Tham tán quân cơ dinh Trung tiệp ở đạo Thuận Hóa. Ông mất ngày 17 tháng 11 năm Ất Tỵ (09/12/1775) tại quê nhà, hưởng thọ 68 tuổi.
Trong thời kỳ là người đứng đầu Quốc Tử Giám Thăng Long, Nguyễn Nghiễm cho làm bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Cổ kim nhật nguyệt” và 4 chiếc chuông nhỏ, 1 quả chuông lớn là “Bích Ung chung”, rất tiếc 4 chiếc chuông nhỏ không còn, hiện chỉ còn lại chuông Bích Ung treo tại Bái Đường của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Chiếc chuông quý này vẫn được thỉnh lên mỗi khi làm lễ dâng hương các bậc Tiên thánh, Tiên hiền và trong lễ khuyến học cho các cháu học sinh.
Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Nguyễn Nghiễm còn là một tác gia nổi tiếng có những tác phẩm có giá trị về nhiều mặt như: Quân trung liên vịnh (Các bài vịnh kế tiếp trong quân); Việt sử bị lãm (xem xét đầy đủ sử nước Việt); Cổ lễ nhạc chương thi văn tập (tập thơ văn và nhạc chương trong lễ tiết đời xưa); Lạng Sơn Đoàn thành đồ (ghi chép bản đồ Đoàn thành ở Lạng Sơn), bài phú Khổng Tử mộng Chu Công và hai bài ký trên bia Tiến sĩ khoa Canh Thìn Cảnh Hưng thứ 21 (1760) và bia Tiến sĩ khoa Bính Tuất Cảnh Hưng thứ 27 (1766).
Đại Tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm là người thông minh mẫn tiệp, có tài thao lược nên được triều đình giao cho nhiều chức vụ trọng yếu. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn đặt vận mệnh của quốc gia dân tộc lên trên hết. Đối với sự nghiệp trồng người, Nguyễn Nghiễm luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc củng cố và phát triển nền học thuật của đất nước. Do vậy ông dồn tâm huyết và tình yêu thương của mình cho các nho sinh trường Giám khi ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Công lao của bậc đại nho Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền văn hiến của nước nhà vô cùng to lớn./.
Sưu tầm và biên tập: Mai Ngân Anh