vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái (1684 – 1758)


Nguyễn Công Thái húy là Phấn, tên tự là Hanh, sinh ra tại xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Kim Lũ (hay Kẻ Lủ) nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng ở Thăng Long. Dòng họ Nguyễn Kim Lũ là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đạt khoa cử, ra làm quan giúp nước như Nguyễn Công Thái, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Siêu… nên người xưa có câu ca dao:

Nơi đây Lủ những ba làng

Lủ Trung mũ áo làm quan đại triều

Từ nhỏ, Nguyễn Công Thái nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 18 tuổi, ông thi đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Nhâm Ngọ (1702). Khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Cùng đỗ khoa này còn có nhiều danh sĩ như Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Kiều ở Từ Liêm. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Công Thái được triều đình điều ra Nghệ An và Thanh Hoa đảm nhận chức Giám sát Ngự sử  rồi Hiến sát sứ Nghệ An, Đốc đồng Thanh Hoa, Tham chính Kinh Bắc. Năm 1720, ông được triệu về triều vào làm việc tại tòa Đông các với chức vụ là Đông các hiệu thư. Năm 1724, ông được nhậm chức Đông các Đại học sĩ. Năm Bảo Thái 8 (1727), Nguyễn Công Thái được thăng Hồng lô Tự khanh, tri Binh phiên. Năm 1728, trong khi giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, ông cùng với Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận đàm phán với sứ nhà Thanh về phân định biên giới. Hoàn thành sứ mệnh cũng là lúc triều đình tổ chức khoa Đông các, ông tham dự, trúng cách, được triều đình bổ nhiệm làm Phó Đô Ngự sử kiêm Đông các Hiệu thư, đồng thời được ban tước Kim Lĩnh bá. Năm 1733, Nguyễn Công Thái được thăng chức Thị lang Bộ Công, chức quan thứ 2 sau Thượng thư của bộ chuyên quản về việc sửa chữa, xây dựng thành trì, cầu cống, đường sá cũng như thợ thuyền, quản lý núi rừng, vườn tược, sông đầm… Ông hoàn thành chức trách của mình, có nhiều công lao đóng góp với triều đình, nên năm 1741, đặc thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư, tước Kiều quận công. Năm 1744, ông được triều đình thăng làm Hộ bộ Thượng thư, hàm Thiếu bảo, ban cho thực ấp, được chúa giao trọng trách Tham tụng. Từ đó, ông được giao nhiều trọng trách khác nhau, nhiều lần đảm nhiệm Tham tụng, trải các chức Thượng thư bộ Binh, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại. Năm 1753, chúa tin cẩn, giao trọng trách Bảo phó để trợ giúp Thế tử Trịnh Sâm. Năm 1756, ông xin trí sĩ tại quê nhà. Năm 1758, Tham tụng, Lại Bộ thượng thư, Thái tử Thái bảo, Kiều quận công mất, được triều đình truy tặng hàm Thái tử Thái phó, ban tên thụy là Trung Mẫn, an táng tại quê nhà.

Nhà thờ Nguyễn Công Thái, Xã Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh p.NCST)

Hơn 40 năm làm quan, Nguyễn Công Thái từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: từ Giám sát Ngự sử đến Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thị lang bộ Công, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Lại… ông luôn chứng tỏ tài năng và trí tuệ của mình, được được vua Lê chúa Trịnh coi trọng, tin dùng. Trong thời gian làm quan, ông đã 5 lần ông xin về trí sĩ, nhưng cả 5 lần ông đều được vời ra giúp việc ngay sau đó. Đặc biệt, trong thời gian ông đảm nhiệm chức Tế tửu (như Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam, ông đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài ở nước ta.

Nguyễn Công Thái được bổ nhiệm Tế tửu Quốc Tử Giám vào khoảng năm 1728 với trách nhiệm Phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền năm trước, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước(1). Theo quy định thời kỳ này, những người được bổ nhiệm chức Tế tửu Quốc Tử Giám phải là những bậc đại khoa, văn chương, trí tuệ uyên bác, đạo đức trong sáng. Nguyễn Công Thái là một quan chức mẫn cán, tài năng, chắc chắn không phụ lòng mong đợi của triều đình, hoàn thành xuất sắc chức trách của người quản lý và người thầy giáo, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Nguyễn Công Thái không chỉ là vị quan tài năng, hết lòng phụng sự đất nước mà còn là một tác gia. Ông đã có 7 lần soạn và nhuận sắc các bài kí được khắc trên bia đá tại ở hai địa điểm thiêng liêng, biểu dương cho tinh thần tôn sư trọng đạo, khích lệ truyền thống hiếu học của đất nước là miếu thờ Chu Văn An và Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 1717, Nguyễn Công Thái là người soạn văn bia Văn Trinh công Từ bi kí(2) cho Miếu thờ Chu Văn An tại xã Huỳnh Cung tổng Cổ Điển huyện Thanh Trì (Hà Nội). Bài ký ghi về hành trạng, công tích của Chu Văn An, một vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám nổi tiếng dưới triều vua Trần Minh Tông (1324 – 1329), một danh sư đồng thời là một danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Bài ký là tư liệu quý cho chúng ta tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của một vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám, một danh nho, người thầy đạo cao đức trọng, về lịch sử ngôi miếu thờ, cũng như truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam. Văn bia cũng cho chúng ta hiểu thêm được về bản thân con người Nguyễn Công Thái.

Đáng chú ý là 6 bài ký Văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám do Nguyễn Công Thái nhuận sắc, đó là các bài kí các khoa thi năm 1724, 1743, 1746, 1748, 1752 và 1754. Đây là những đóng góp lớn của Nguyễn Công Thái đối với nền văn chương nước nhà, bởi những bài ký trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ được coi là những sử liệu quan trọng, mà còn là những áng văn chương uyên bác, mẫu mực (thể loại bi ký) còn lại ở nước ta. Thông thường, những người nhuận sắc – người sẽ hiệu chỉnh nội dung, rà soát sửa chữa văn phong, câu chữ để đảm bảo cho bài ký không chỉ chính xác về nội dung, tư tưởng mà còn chau truốt, hay về nghệ thuật, phải là người học vấn tinh thông, văn chương uyên bác. Nguyễn Công Thái là người tài giỏi trong lĩnh vực văn học và phải được Chúa tin dùng(3) và vì vậy ông được tín nhiệm giao cho việc quan trọng này.

Con người và sự nghiệp của ông đã được triều đình ghi nhận không chỉ ở những chức trách mà ông được giao phó, mà còn ở những sắc phong tặng cho ông. Nội dung 10 sắc phong liên quan đến Nguyễn Công Thái hiện còn giữ được cho chúng ta rõ hơn về nhân cách, con người ông. Các sắc phong tặng ông đề ghi những dòng khen ngợi: “Người có ngôn luận sắc bén, góc cạnh, phong thái riêng” hay “người có tâm thuật, có tài trong công việc, tiên phong, trung chính, chăm chỉ” hay “tính ông trong sạch, giản dị, thẳng thắn, có công to lập ngôi chúa nên được Ân vương rất tin cậy quý trọng”.

Những tư liệu như văn bia, sắc phong, gia phả hiện còn là bằng chứng chân thực về Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái, một danh thần, một nho sĩ thế kỷ XVIII, đồng thời là di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Con người và sự nghiệp của Tiến sĩ, Tế tửu Quốc Tử Giám là bài học quý báu, là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập. Nguyễn Công Thái xứng đáng là một danh nhân văn hóa, niềm tự hào của người dân Kim Lũ Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung./.

Lâm Thuỳ Ngân - Cán bộ Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm

Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám