Nguyễn Quý Đức (1648-1720), người xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông hiệu là Đường Hiên, 29 tuổi đỗ Thám hoa (khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị này không lấy đỗ Trạng nguyên).
Tượng thờ Danh nhân Nguyễn Quý Đức
Năm Canh Ngọ (1690), Nguyễn Quý Đức làm Chánh sứ sang nhà Thanh cùng Nguyễn Danh Nho. Năm Giáp Tuất (1794) thăng Tả Thị lang bộ Lễ, làm Bồi tụng ở phủ Chúa. Năm 1695, được thăng Đô Ngự sử. Năm 1708, được thăng Thượng thư Bộ Binh, được phong Tá lý công thần. Sinh thời, ông là một vị quan thanh liêm, ông cấm đoán mọi việc phiền hà, hạch sách, nhũng nhiễu dân. Ông là người khoan dung, cảm thông với nỗi khó khăn, vất vả của dân chúng. Năm 1714, ông được thăng hàm Thiếu phó, tước Liêm Quận công. Năm 1717, thăng Thái phó Quốc lão, vinh phong Tá lý công thần.
Nhà thờ Tam Đại Vương (Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính)
Lê Quý Đôn trong "Toàn Việt thi lục" viết: "Tính ông nghiêm nghị, cẩn trọng và độ lượng. Ở ngôi tể tướng hơn 10 năm, sửa sang noi theo pháp độ, cất nhắc kẻ hiền tài, là một tể tướng giỏi thời thái bình". Dân gian có câu đồng dao ngợi khen ông "Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức" (Tể tướng Quý Đức làm thiên hạ yên vui). Đó là những phần thưởng vô giá mà bao giờ cũng cao hơn chức tước bổng lộc.
Sử thần Phan Huy Chú nhận xét: “Ông là người khoan hậu, trầm tĩnh. Ngày thường, thì tiếp ai thì dễ dàng, vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chá, việc gì chưa thoả đáng, ông cố giữ ý kiến mình, bàn đến ba, bốn lần, không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn, phần nhiều do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu…”.
Sinh thời, Nguyễn Quý Đức làm nhiều thơ, có hai tập: "Sứ trình thi tập" và "Thi châu tập", nhưng nay chỉ còn lại gần 90 bài thơ cả Hán và Nôm, được ghi chép chủ yếu trong "Toàn Việt thi lục" và "Nguyễn Quý văn phả"./.
Sưu tầm