vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Quan Tế Tửu, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám


Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long đóng vai trò là cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia, là trường Quốc học cấp cao nhất của nhà nước quân chủ, nơi đào tạo ra hàng ngàn Nho sĩ, trí thức và quan lại cao cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước dưới thời quân chủ. Tế tửu, Tư nghiệp - Các vị quan đứng đầu, quản lý Quốc Tử Giám là những “người tài giỏi, có đức, thông hiểu kinh sách… phụng mệnh (nhà Vua) trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. 

Mặc dù được khởi lập và hoạt động từ năm 1076, nhưng phải đến thời Trần (1225-1400), Quốc Tử Giám Thăng Long mới được nhà nước chú trọng phát triển cả về quy mô và cơ cấu tổ chức. Để việc dạy và học tại Quốc Tử Giám được quy củ, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (1236) Vua Trần Thái Tông đã chọn người quản lý Quốc Tử Giám với chức vụ là Đề điệu. Tuy nhiên, phải đến năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), Vua Trần Thái Tông mới đặt học quan chính thức cho trường Quốc Tử Giám. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông tháng 10. Chọn người tài giỏi, có đức, thông hiểu kinh sách bổ làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Như vậy, Tư nghiệp thời Trần là học quan chính thức của Quốc Tử Giám.

Bộ máy quản lý việc dạy và học ở Quốc Tử Giám thời Trần sau đó hầu như không thay đổi. Sang thời Lê, cùng với sự phát triển của Quốc Tử Giám, hệ thống quan chức của Quốc Tử Giám ngày càng được hoàn thiện. Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), Lê Thái Tông đặt chức quan Tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám. Chức quan Tư nghiệp đứng thứ 2 sau Tế tửu. Ngoài ra, học quan của Quốc Tử Giám còn có Giáo thụ, Trợ giáo, Ngũ kinh Bác sĩ....

Chức Tế tửu ở Trung Quốc xuất hiện từ thời nhà Hán. Theo sách Từ nguyên của Trung Quốc, Tế tửu vốn là danh hiệu để chỉ người lớn tuổi nhất, có địa vị cao nhất trong buổi tiệc được chọn làm người dâng rượu tế đất trước khi uống. Về sau, lấy đó đặt chức quan. Tế tửu Quốc Tử Giám ở Việt Nam là chức quan đứng đầu trường Quốc Tử Giám. Theo Quan chế thời Hồng Đức, Tế tửu thuộc hàm Tòng tứ phẩm. Chức trách của Tế tửu được Phan Huy Chú cho biết trong Lịch triều Hiến chương loại chí là: “phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”.  Như vậy, Tế tửu ngoài chức trách là học quan của Quốc Tử Giám còn làm nhiệm vụ trông coi Văn Miếu, thực hiện việc cúng tế xuân, thu nhị kỳ theo quy định tế lễ tại Văn Miếu. Chức trách Tế tửu thời Lê Trung hưng không thay đổi nhiều, nhưng từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Lê Dụ Tông yêu cầu Tế tửu cùng tham gia giảng dạy cho học trò ở tại Quốc Tử Giám, để khuyến khích sĩ tử, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chức năng của Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cho nhà nước, vì thế, Tế tửu với vai trò là người đứng đầu Quốc Tử Giám ngoài việc tổ chức dạy và học, còn phải tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh, chấm bài và báo cáo sang Bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài theo quy định.

Quốc Tử Giám dưới thời Lê còn là cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo của nhà nước, nên khi triều đình có chủ trương thay đổi quy chế giáo dục, thi cử, thì quan Tể tửu phải thực hiện thay đổi chương trình dạy và học ở tại Quốc Tử Giám, đồng thời hướng dẫn cho các trường học trong cả nước, cho các học quan ở các địa phương tuân theo.

Chức vụ Tư nghiệp ở Trung Quốc được đặt từ thời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 3 (603) làm nhiệm vụ nắm việc giáo pháp, chính lệnh ở Quốc Tử Giám. Ở Việt Nam, Tư nghiệp Quốc Tử Giám lúc đầu (thời Trần) là chức học quan đứng đầu Quốc Tử Giám, phụ trách, quản lý việc giáo dục tại trường. Sang thời Lê sơ, là chức quan thứ 2, sau Tế tửu, làm phó cho Tế tửu, giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.

Để đảm nhiệm được trọng trách trên, ngay từ đầu, khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Đợt tuyển chọn Tư nghiệp đầu tiên của nhà nước dưới thời Trần, Tư nghiệp đã là người phải có tài, có đức và thông hiểu kinh sách. Dưới thời Trần, Chu Văn An (1292-1370), danh nho nổi tiếng học vấn uyên thâm, đạo đức trong sáng được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, đồng thời dạy học cho Hoàng Thái tử.

Thời Lê sơ, Tế tửu, Tư nghiệp đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ. Có thể kể đến những bậc hiền tài làm Tế tửu, Tư nghiệp như Trạng nguyên Nguyễn Trực người Quốc Oai, Hà Nội; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ người Thanh Trì, Hà Nội, hay Trạng nguyên Lương Thế Vinh người Nam Định, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên người ở Hoài Đức, Hà Nội; Tiến sĩ Thân Nhân Trung người Bắc Giang, ... Sau này, từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm. Thời kỳ này, do yêu cầu về canh tân giáo dục, phục hưng đất nước, nên việc tuyển chọn học quan của Quốc Tử Giám rất được chú trọng. Các vị quan đại thần có uy tín, học vấn uyên bác như Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan; Tham tụng, Thiếu bảo Kiều Quận công Nguyễn Công Thái, Bồi tụng, Công bộ Thương thư Trương Công Giai, Bồi tụng, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Nghi; Bồi tụng, Hình bộ Tả thị lang Vũ Miên, Tham tụng, Binh bộ thượng thư Nhữ Đình Toản; Tham tụng, Công bộ Thượng thư Nguyễn Nghiễm, … được triều đình tin tưởng, bổ nhiệm giữ trọng trách Tế tửu, Tư nghiệp. Đội ngũ học quan này đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nên hàng loạt danh nho, danh thần cho đất nước như: Vũ Miên, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoản, Nguyễn Công Thái, Trần Danh Lâm, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Sĩ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích, ….

Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa, nước nhà. Các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám luôn xứng đáng là tấm gương về trí tuệ, tài năng, tinh thần rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp kiến quốc và trồng người. Họ sẽ mãi là tấm gương để các thế hệ kính trọng, noi theo.

ThS.NCS Nguyễn Văn Tú

Phó Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám