vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Danh Nhân Văn Hóa Nguyễn Cao


Nguyễn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Thế Cao, hiệu là Trác Phong còn gọi là Nguyễn Cách Pha, sinh năm Đinh Dậu (1837), trong một gia đình và dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng ở làng Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn thì cụ tổ dòng họ Nguyễn Thế vốn là một quan chức nhà Lê, quê ở Thanh Hoá, cụ có 6 người con trai đều làm quan cho triều đại này. Nguyễn Cao chính là con cháu của ngành tổ thứ tư của dòng họ.

Cha của Nguyễn Cao tên là Nguyễn Thế Hanh (1810-1840) hiệu Đức Kế, 19 tuổi đỗ tú tài, 22 tuổi đỗ cử nhân khoa Tân Mão, làm quan tri huyện. Mẹ là Nguyễn Thị Điềm, thuộc dòng họ Nguyễn Đức, một dòng họ quan võ lớn và danh giá ở Quế Ổ. Bà là người xinh đẹp và đức hạnh. Sau khi chồng mất, một lần bị bọn lính chòng ghẹo, bà lấy thế làm nhục, nghĩ mình thất tiết với chồng, bèn tự tử.

Nguyễn Cao mồ côi cha mẹ từ lúc lên ba, ở với bà ngoại, năm lên mười bà ngoại cũng mất, Nguyễn Cao sớm có chí tự lực và học tập siêng năng. Ông được sự dạy bảo của 2 vị thày lớn thời đó là Phó bảng Nguyễn Phẩm và Hoàng giáp Nguyễn Văn Nghị. Hai thày không chỉ truyền cho Nguyễn Cao những kiến thức Nho học mà còn bồi dưỡng cho ông tinh thần yêu nước thương dân, kiên trung bất khuất.

Nguyễn Cao vừa thông minh, vừa ham học lại chăm chỉ. Ông thi đậu giải nguyên khoa thi hương năm Đinh Mão (1867) tại trường thi Hà Nội. Từ đó mọi người gọi ông với một niềm kính phục là thủ khoa Cao. Thi đậu Nguyễn Cao không ra làm quan ngay, mà xin về quê mở trường dạy học.

Trong cuộc xâm lược Bắc kì lần thứ nhất, tháng 11 năm 1873, giặc Pháp từ Hà Nội tràn sang chiếm đóng Gia Lâm, Siêu Loại, Nguyễn Cao đã lãnh đạo nhân dân Bắc Ninh đứng lên đánh Pháp, tiêu diệt nhiều tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn. Khi triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước với Pháp, ông cáo bệnh về quê.

Lúc này, bọn phỉ Tầu tràn sang các tỉnh phía Bắc và các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Chúng cướp phá, giết chóc rất thảm khốc. Nguyễn Cao đã tham gia tổ chức các cuộc dẹp bọn phỉ Tầu. Kế đó, ông được triều đình bổ nhiệm chức tri huyện Yên Dũng, rồi tri phủ Lạng Giang. Tiếp đó ông xin triều đình cho đi khai khẩn đồn điền ở Nhã Nam, Phú Bình để mưu lợi cho dân.

Năm 1882, thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ 2, ngay lúc đó Nguyễn Cao đã kêu gọi dân chúng tập hợp lực lượng nghĩa binh đứng dạy chống Pháp. Trong trận tấn công lớn ở Gia Lâm, Nguyễn Cao bị thương nặng, nhưng vẫn giữ vững vị trí của người chỉ huy, nêu tấm gương chiến đấu dũng cảm và quên mình cho các nghĩa sĩ noi theo. Vua nhà Nguyễn ban cho ông 20 lạng bạc để trị thương. Lành vết thương, Nguyễn Cao lại tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu chống Pháp, tổ chức nhiều trận đánh ở Phả Lại, Yên Dũng, Quế Dương, Võ Giàng, Từ Sơn, Thuận Thành, rồi sang cả Ứng Hoà-Hà Tây.

Ngày 27-3-1887, tại một trận đánh ở Kim Giang (nay thuộc Ứng Hoà TP Hà Nội), ông đã bị thực dân Pháp bắt. Bọn giặc cướp nước đã tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, song bị Nguyễn Cao cự tuyệt. Với khí tiết của một sĩ phu yêu nước, ông đã rạch bụng tự sát để giữ tròn khí tiết.

Nguyễn Cao, đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp trọn vẹn cho công cuộc kinh bang đất nước, đào tạo nhân tài, đánh đuổi thực dân Pháp. Tên tuổi của ông đã đi vào sử sách và được đánh giá là sĩ phu yêu nước, một lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa chống Pháp, một nhà giáo mẫu mực, nhà thơ lớn.

Nguyễn Cao thực sự là một danh nhân lịch sử-văn hoá của dân tộc và của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Tên ông đã được chọn đặt cho tên đường phố ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Bắc Ninh, TP Bắc Giang và tên trường trung học cơ sở chuyên Quế Võ (trường THCS Nguyễn Cao). Ở Hà Nội có miếu Trung Liệt thờ Nguyễn Cao và nhiều nơi mà ông đến khai hoang, đánh giặc, dạy học nhân dân đều lập đền thờ. Đền Nguyễn Cao ở Cách Bi (Quế Võ) được Nhà nước xếp hạng Di tích lưu niệm danh nhân lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.

Trần Thùy Linh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám