Đền thờ Nguyễn Duy Thì (hay còn gọi là Đền thờ Quan Thượng Láng) nay thuộc tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ có niên đại cách đây khoảng 400 năm, được dựng ngay trên nền phủ Bỉnh Quân - phủ của quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì. Đền thờ là nơi thờ cúng, tưởng niệm của con cháu dòng họ Nguyễn Duy đối với tổ tiên của mình là Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì và con trai của ông là Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.
Ảnh: Tại nhà thờ Nguyễn Duy Thì, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguyễn Duy Thì (1572-1651) thụy là Hành Độ, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng (1598) đời Lê Thế Tông. Năm Hoằng Định thứ 7 (1606), ông được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng cử làm Phó Chánh sứ đi tuế cống nhà Minh cùng một số vị quan khác trong triều để tạ ơn vua Minh sách phong cho vua Lê. Trong năm 1612, Nguyễn Duy Thì cùng các viên Ngự sử 13 đạo dâng bài khải “Đạo trị nước” xoay quanh việc đề cao vai trò của người đứng đầu Nhà nước và người dân để ổn định đất nước sau những thiên tai, biến cố của xã hội thế kỷ XVII. Hơn 50 năm phò tá vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Duy Thì từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như sau: Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Hàn lâm viện Thị giảng, Thái phó, tước Tuyền Quận công… Sau khi mất, ông được triều đình truy tặng chức Thái tể.
Ảnh: Nhà thờ Nguyễn Duy Thì, phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguyễn Duy Hiểu là con trai trưởng của quan Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì. Năm Vĩnh Tộ 10 (1628), ông đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh năm Dương Hòa 3 (1637). Ông làm quan đến chức Thiêm Đô Ngự sử.
Đền thờ được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhị (二), bao gồm Tiền tế và Hậu cung, mái được lợp ngói mũi hài, tọa lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng nhìn ra trục chính của thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Tiền tế là nếp nhà 3 gian 2 chái, nơi thờ của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì; trưng bày sách quý; hội họp, bàn bạc các sự kiện quan trọng của dòng họ. Hậu cung là nếp nhà 3 gian, đầu hồi bít đốc, tay ngai, trong đó, gian chính giữa là nơi thờ của Quan Thượng Láng, hai gian còn lại là thờ tứ thân phụ mẫu của cụ Thì và con trai trưởng Nguyễn Duy Hiểu. Năm 2013, dòng họ đã đúc tượng đồng Nguyễn Duy Thì đặt trong cùng của gian thờ giữa. Tượng cao khoảng 1m, được tạc với tư thế ngồi trên ngai, chân buông cân đối phía trước, đầu đội mũ bó sát kiểu phốc đầu, mặc áo thụng dài, tay phải úp đặt lên đầu gối, tay trái cầm thẻ bài. Đường nét điêu khắc của tượng Nguyễn Duy Thì góp phần toát lên phong thái một vị quan hết lòng vì nước vì dân.
Ảnh: Mộ cụ Nguyễn Duy Thì
Hằng năm, ngày 11 tháng 9 âm lịch, con cháu họ Nguyễn Duy trên khắp cả nước sẽ tề tựu tại đền thờ để tổ chức ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên. Hai hiện vật quý giá được dòng họ Nguyễn Duy Thì lưu giữ đến ngày nay chính là cuốn gia phả chữ Hán và 34 đạo sắc phong cho Nguyễn Duy Thì, người thân của ông. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử như thế, nhà thờ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1993, trở thành một trong những di tích tiêu biểu của Thanh Lãng nói riêng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Sưu tầm