vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Hoàng Giáp Nguyễn Duy Thì Với Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long


Nguyễn Duy Thì sinh ra tại xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, nay thuộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà khoa bảng, vị quan đại thần có nhiều đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực và cũng là một nhà giáo có nhiều đóng góp cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như nền quốc học nước nhà nửa đầu thế kỷ XVII. 

 

Ảnh: Tượng thờ Nguyễn Duy Thì tại nhà thờ họ Nguyễn Duy

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long được khởi lập cuối thế kỷ XI. Trải qua nhiều lần mở rộng dưới thời Lý, Trần, đặc biệt dưới thời Lê Sơ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành một trung tâm giáo dục quốc gia lớn nhất, đóng vai trò vừa là nơi đào tạo quan chức, nhân tài cho nhà nước, vừa là nơi quản lý, định hướng cho nền giáo dục theo Nho giáo. Sang thời nhà Mạc và Lê Trung hưng mặc dù xã hội có những bất ổn nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn được triều đình quan tâm, việc giảng dạy học tập được tổ chức quy củ, khoa cử dần ổn định đi vào nề nếp.

Nguyễn Duy Thì đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất (1598). Ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau cho đến khi ông giữ chức Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám; Rồi sau được thăng Thượng thư Bộ Công kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám năm 1640. Nguyễn Duy Thì mất năm Tân Mão (1651), triều đình truy tặng Thái tể, ban tên thụy là Hành Độ. Hơn 50 năm làm quan, ông trải qua nhiều trọng trách là một vị quan thanh liêm, khẳng khái, tin cẩn làm việc mẫn cán, chính trực hoạt động ở mọi lĩnh vực..., nhất là trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục, ông có nhiều đóng góp cho đất nước.

 

Ảnh: Triển lãm Nguyễn Duy Thì tại hội thảo Nguyễn Duy Thì cuộc đời và sự nghiệp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Hiện nay, tại nhà thờ Nguyễn Duy Thì ở Yên Lãng, Vĩnh Phúc có 04 đạo sắc phong nhắc đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám của ông, trong đó đạo sắc năm Vĩnh Tộ 2 (1620) có ghi  “Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì”. Qua đó chứng tỏ ông kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám vào trước tháng 10 năm Canh Thân (1620). Đặc biệt, sắc phong cho ông kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám vào năm Dương Hòa 6 (1640), khi đó ông vẫn kiêm giữ Tư Nghiệp Quốc Tử Giám. Nguyễn Duy Thì được kiêm nhiệm Tế tửu từ năm 1640 và giữ chức này đến năm 1651 khi ông mất tại quê nhà. Như vậy, ông gắn bó với Quốc Tử Giám từ chức Tư nghiệp rồi Tế tửu trong thời gian rất dài, có nhiều đóng góp cho nền quốc học nói chung và Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng.

Nửa đầu thế kỷ XVII, đất nước còn nhiều bộn bề việc củng cố và ổn định ở Quốc Tử Giám là công việc đặc biệt quan trọng với triều đình. Nguyễn Duy Thì đã không phụ lòng tin cậy nỗ lực cùng các đồng sự tại Quốc Tử Giám chung sức gây dựng, củng cố việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngay từ những năm 1620, nhiệm vụ của Nguyễn Duy Thì ở Quốc Tử Giám giúp triều đình phụ trách việc giáo đào tạo nhân tài, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện nhân cách cho hiền tài sau này sẽ trở thành các vị đại thần trụ cột của đất nước. Hơn thế, Quốc Tử Giám cũng là cơ quan quản lý, định hướng nền giáo dục, khoa cử của nhà nước, nên sự hưng thịnh của việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của nước nhà phụ thuộc và sự hưng thịnh, phát triển của Quốc Tử Giám, và ngược lại, nhân tài có được là nhờ phần lớn vào chiến lược, định hướng và sự phát triển của Quốc Tử Giám. Với hơn 30 năm kiêm nhiệm chức Tư nghiệp, rồi Tế tửu Nguyễn Duy Thì cùng với các học quan Quốc Tử Giám đã góp phần củng cố nền quốc học, chế độ khoa cử để lựa chọn nhân tài cho đất nước. Đó là nhờ một phần công sức của các học quan ở Quốc Tử Giám trong đó có Nguyễn Duy Thì.

 

Ảnh: Sách chính sử lưu lại tên tuổi của ông

 

Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì cùng các vị quan đương thời còn được triều đình tin cậy trao cho trọng trách tổ chức 3 kỳ thi đại khoa vào các năm 1613,1623 và 1637 Trong 3 kỳ thi phân bố dài suốt 3 thập niên ấy, Nguyễn Duy Thì được giao trọng trách làm Giám thí hai lần, và một lần giữ nhiệm vụ là Tri cống cử. Ba kỳ thi này hiện còn bia đề danh Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Danh nhân Nguyễn Duy Thì là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tên tuổi của Ông cùng các vị danh nhân khoa bảng mãi trường tồn cùng với nền văn hóa và giáo dục của Việt Nam./.

 

Sưu tầm

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám