vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Hoàng Giáp Tế Tửu Nguyễn Duy Thì con người và sự nghiệp


Quan Thượng thư, Hoàng giáp, Tế tửu Nguyễn Duy Thì là một danh nhân tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc và của nước ta ở nửa đầu thế kỷ XVII. Nguyễn Duy Thì là một người nổi tiếng tài và đức ở thời Trung hưng. Trong một thời gian dài là rường cột cho xã tắc và triều đình Lê - Trịnh

 

Ảnh: Làng nghề truyền thống trên quê hương ông

 

Nguyễn Duy Thì (1572 - 1651) sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống Nho học, thuở nhỏ lại hiếu học, thông minh, có chí lớn, nhiều hoài bão nên ông đã sớm thành đạt và làm rạng danh cho bản thân, gia đình và dòng họ.

Nguyễn Duy Thì bắt đầu con đường quan trường sau khi thi đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1598). Theo lệ của nhà Lê, các “Tiến sĩ” sau khi vinh quy về làng lại trở vào kinh sẽ được triều đình trao cho quan chức. Hoàng giáp trao cho chức Hiệu úy còn các Tiến sĩ khác thì trao cho chức Giám sát hoặc chức Cấp sự trung. Sau khi được lưu nhiệm, những viên quan này thông thường phải làm việc trong thời gian 9 năm thì mới lại được xét thăng thưởng hay thuyên giảm bãi miễn. Chúng ta có thể tin rằng trong khoảng ngót một chục năm đầu tiên, từ khi ông đỗ Tiến sĩ (1598), Nguyễn Duy Thì giữ chức vụ Cấp sự trung ở sáu khoa. Nhiệm vụ của ông là chuyên xét và bác trả lại cho sáu bộ những việc xét hỏi không công bằng, hoặc những việc bổ dụng đúng của Lại bộ.

Năm Hoằng Định thứ 7 (1606), Nguyễn Duy Thì được cử làm Phó sứ sang nhà Minh tuế cống. Sau chuyến đi sứ này trở về, ông được thăng Thiêm Đô Ngự sử tước Phương Tuyền bá. Trước đây, ông giữ chức Cấp sự trung hàm Chánh bát phẩm, sau 2 năm trở về, ông đã là Thiêm Đô Ngự sử ở hàng Chánh ngũ phẩm. Thăng một lúc 6 bậc (tương đương hàm Thứ trưởng ngày nay), rồi được thăng dần Đô Ngự sử phẩm tước ở hàng Chánh tam phẩm

Tới năm 1626, ông được thăng hàm Thượng thư tặng tước Quận công là tước vị cao nhất cho một người làm quan. Sau khi được thăng Thượng thư, Nguyễn Duy Thì liên tục được triều đình giao những chức vụ quan trọng. Ông lần lượt được giao cho các chức Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Binh rồi cuối cùng là Thượng thư Bộ Lại, một bộ quan trọng nhất đứng đầu các bộ khác.

Năm 1642, Nguyễn Duy Thì được gia tặng Tham tụng có nhiệm vụ và quyền hạn như một vị Tể tướng, trông coi các quan, bàn việc chính sự của Nhà nước ở trong phủ Chúa, sẽ được thêm hàm “dự tán quốc chính” (dự giúp chính sự nhà nước). Xem thế ta thấy Nguyễn Duy Thì khi đó đã trở thành một vị đại thần bậc nhất ở triều đình cũng như ở phủ Chúa.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Duy Thì còn được kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác thuộc các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - khoa học (khoa giáo) như chức Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám là một cơ quan chuyên môn của Nhà nước, có người còn gọi đây là trường Đại học đầu tiên và duy nhất của nhà nước phong kiến. Quốc Tử Giám đời Trần có chức Tư nghiệp. Đời Lê đặt các chức Tế tửuTrực giảngBác sĩGiáo thụ. Các quan chức trong Quốc Tử Giám có nhiệm vụ phụng mệnh trông coi nhà Thái học, rèn tập sĩ tử, hàng tháng theo đúng kỳ cho tập làm văn để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước.

 

Ảnh: Lăng mộ cụ Nguyễn Duy Thì ở quê nhà

 

Nguyễn Duy Thì sinh ra trong bối cảnh thời loạn, trong bối cảnh xã hội đầy biến động, triều đình vua Lê - chúa Trịnh luôn trong trạng thái phân quyền, quan chức bon chen, chao đảo, nhân dân thì sống trong cảnh rối ren khổ cực. Tấm lòng của ông đối với nhân dân  được thể hiện sâu sắc và rõ nét nhất trong tờ Khải trình lên chúa Trịnh vào năm 1612. Nội dung bài Khải rất sâu sắc, là một trường hợp hiếm hoi được sử gia Lê - Trịnh chép lại gần như nguyên vẹn.

Tư tưởng chính xuyên suốt trong bài Khải của Nguyễn Duy Thì là: “Dân là gốc của nước, người trị nước phải biết thương dân”. Ta như gặp lại tư tưởng “thân dân” của các bậc tiền nhân thời trước như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… phải là người hết sức cảm thông, thấu hiểu tình cảm của nhân dân, giàu lòng vị tha và ý thức được trách nhiệm lớn lao trước vận mệnh của nhân dân mới dám viết và viết được những dòng tâm huyết như thế.

Danh nhân Nguyễn Duy Thì cách chúng ta đã gần bốn trăm năm, một khoảng thời gian mà lịch sử đất nước trải qua bao nỗi thăng trầm, với con người có tư tưởng yêu nước thương dân, một ông quan thanh liêm chính trực, một con người giữ được chữ tâm rất sáng trong xã hội rối ren, kỷ cương phép tắc đảo lộn thì không có khoảng thời gian nào xóa nhòa được./.

 

Sưu tầm

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám