vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Về tấm bia khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội


Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ, những “Bảo vật quốc gia”, “Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu” vô cùng ý nghĩa. Hệ thống bia Tiến sĩ đã trở thành những di sản vô giá của nền văn hóa dân. Trên bia có khắc họ tên và quê quán của 1304 vị Tiến sĩ thi đỗ dưới thời Lê - Mạc. Tấm bia Tiến sĩ khoa thi Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) có ghi họ tên quê quán của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì, một danh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước.

 Bia khoa thi Mậu Tuất (1598) có chiều cao 167cm, chiều rộng phần sát đế bia 118cm, độ dày của bia 23cm. Đế bia cao 35cm, rộng 114cm, dài 162cm. Trên bia có 46 dòng khắc 1207 chữ Hán... Đế bia được tạo hình rùa chạm khắc sơ sài rùa cổ rụt, đầu bằng ngang, hai mắt lồi và sống mũi được tạc rõ, đầu nhỏ. Mai rùa hơi cong, trên mai có khắc hình lục giác, có một gờ nhỏ ở giữa chạy suốt sống lưng, gáy khớp dày hẳn lên.

 

Ảnh: Bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Tiêu đề của tấm bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) viết theo thể chữ triện, thường dùng trong ấn tín của triều đình và nghệ thuật thư pháp, có giá trị nghệ thuật cao được viết và khắc bởi nhóm: Trung thư giám Nguyễn Quang Đắc và Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ.

 Hoa văn trang trí xung quanh diềm bia là hoa sen, hoa cúc, hoa trà, hoa mẫu đơn chạm trổ cầu kỳ, có điểm thêm lá và hoa rất hài hòa. Chân diềm bia chạm hình cánh sen đều liên tiếp thành hàng dài, trên cánh có trang trí thêm các đường chỉ mảnh theo hình cánh hoa làm tăng thêm tính thẩm mỹ. Chỉnh thể của hoa văn ở diềm, chân diềm và chữ triện ở trên bia tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang tính thẩm mỹ cao giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tìm hiểu sâu hơn về điêu khắc đá và mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ XVII.

Bài ký của tấm bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đã chỉ rõ đây là khoa thi thứ 2 dưới thời Lê Trung hưng. Bia cũng ghi lại đầy đủ thành phần của ban giám khảo là các vị đại thần đầu triều như: Đề điệu là Thái úy Ngạn quận công Trịnh Đỗ, Tri cống cử là Ngự sử đài Đô Ngự sử Lê Trạc Tú, Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang Ngô Tháo, Đại lý tự khanh Trần Phúc Hựu là quan độc quyển. Hoàng thượng đích thân định thứ tự cao thấp. Nho sinh Nguyễn Duy Thì đã phải đem hết tài học sở trường của mình chứng minh trước ban giám khảo, những người lỗi lạc, uyên thâm cả về kiến thức và kinh nghiệm. Ông đã vượt qua rất nhiều thí sinh để là 1 trong 5 người có tên trên bảng vàng, bia đá của kỳ thi Đình năm Mậu Tuất (1598).

Những người cùng được khắc tên trên bia với Nguyễn Duy Thì gồm: Nguyễn Thứ: người xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa; Lê Bật Tứ: người xã Cổ Định, huyện Nông Cống; Nguyễn Khắc Khoan: người xã An Khang, huyện Yên Phong; Nguyễn Giới (Kiệm): người xã Văn Lâm, huyện Nga Sơn.

Trong 5 vị Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) duy nhất Nguyễn Duy Thì sau này trở thành Tế tửu Quốc Tử Giám đúng như quan điểm của nhà nước đã nêu ở bài ký khoa thi này “chọn người tốt mà làm thầy” sau nhiều năm giữ chức Tư nghiệp đến năm Dương Hòa 6 (1640), ông giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám phụ trách việc đào tạo giáo dục nhân tài cho đất nước.

Bia  khoa thi năm Mậu Tuất (1598) dựng vào ngày 16 tháng 11 năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) sau khi Nguyễn Duy Thì thi đỗ 55 năm và qua đời được 2 năm. Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ  là người soạn bài ký. Người nhuận lại bài ký là Lễ Bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Dương Trí Trạch. Họ là những người nổi tiếng văn hay chữ tốt, có uy tín và kinh nghiệm được triều đình giao cho trọng trách soạn văn ký, nhuận sắc bài ký trên bia Tiến sĩ để lưu danh muôn thủa.

Bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) là tấm bia ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục. Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì khắc tên trên bia lưu danh muôn thuở, hậu thế nhìn vào ngưỡng vọng, công trạng của ông luôn được người đời sau ghi nhớ. Một người hết lòng vì dân vì nước như ông được các thế hệ người Việt Nam tri ân và tưởng nhớ.

Tấm bia khoa thi Mậu Tuất (1598) là một di sản tư liệu quý, tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nền văn hóa dân tộc hiện còn được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội./.

 

Sưu tầm

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám